SMCĐ: bài cũ năm 1999, nhưng chắc nhiều người chưa đọc giống "tui" :-) cho nên là mới...


- Ai đã đưa ra những chiến lược chiến thuật khiến cho MT đi từ thất bại này đến thất bại khác: từ cái chết của toàn thể bộ chỉ huy tại quốc nội cho đến sự hủy hoại uy tín của MT tại hải ngoại?

- Ai đã quyết định không công bố cái chết của Tướng Hoàng Cơ Minh suốt 14 năm dài?

- Ai đã biến MTQGTNGPVN trở thành một tổ chức ăn gian nói dối, lừa gạt đồng bào?

Kính mời quý vị đọc  "Chuyện Nội Bộ?", viết vào tháng 7 năm 1999 của Phan Kim Điện, đăng trên báo Làng Văn số 189, phát hành ngày 1/9/1999.

Phan Kim Điện là bút hiệu của Nguyễn Thị Bé Bảy và Bùi Dương Liêm (Email: bebeliem[at]aol[dot]com)

Trân trọng, 

Bùi Dương Liêm

Nguyễn Thị Bé Bảy


Chuyện Nội Bộ?

Phan Kim Điện. Springfield, ngày 15 tháng 7 năm 1999. 

Làng Văn số 184, mục Tài Liệu, có đăng bài "Chung Quanh Cuộc Tranh Luận Về Vấn Đề Sống Chết Của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh". Trong phần Lời Tòa Soạn, quý báo đã nêu lên một số ý kiến về vấn đề nói trên.

Ở đây, chúng tôi không có ý tham dự vào cuộc tranh luận giữa đôi bên là ông Phạm Văn Thành, Luật Sư Hoàng Duy Hùng và MTQGTNGPVN, chỉ xin có một vài ý kiến liên quan đến "Lời Toà Soạn" của quý báo. Quý báo viết rằng:

................................

- Đám mây mờ bao phủ uy tín của Mặt Trận trong vụ rạn nứt nội bộ với Đại tá Liễu, sau tin dữ nói trên đã tan dần. Người ta mừng khi thấy tổ chức của MT tại hải ngoại, nhất là các cơ sở hạ tầng, vẫn vững vàng và góp nhiều công lớn trong việc chống lại các chiến dịch tuyên truyền, xân nhập, ngoại vận của CS. Những nỗ lực lớn lao bền bĩ này đã giúp giữ vững trận tuyến và tinh thần chống cộng ở hải ngoại.

- Cho đến nay, MTQGTNGPVN vẫn chưa công bố sư hy sinh của Tướng Hoàng Cơ Minh và cánh quân Đông Tiến. Điều này có thể hiểu ngầm là vì lý do chiến lược, chiến thuật, tâm lý, tổ chức hay do chính di huấn của tướng Minh trước khi xuất thân vào hiểm địa, hoặc một lý do nào khác. Công chúng tôn trọng quyết định nội bộ của MT, tuy nhiên MT cũng phải ghi nhận những lời dị nghị trong tinh thần dân chủ và tôn trọng ý kiến người khác.

.....................................

- LS Hùng đã đi xa hơn, khi trong phần II bài viết, anh phê bình và kết án MTQGTNGPVN "có âm mưu" khi xác quyết rằng tướng Minh "còn sống". Chúng tôi thấy sự cáo buộc này không cần thiết và cũng không có lợi cho đại cuộc. Như trên đã viết, đó là quyết định có tính cách nội bộ của một tổ chức, người ngoài nên tôn trọng.

Chúng tôi xin có ý kiến về ba điểm mà quý báo nêu lên ở đây:

- MT tại hải ngoại góp nhiều công lớn trong việc chống lại các chiến dịch tuyên truyền xâm nhập của CS.

- Sự việc chưa công bố sự hy sinh của Tướng Hoàng Cơ Minh là vấn đề nội bộ của MT.

- Sự cáo buộc của luật sư Hoàng Duy Hùng không có lợi cho đại cuộc.

I- MT đóng góp trong việc chống lại các chiến dịch tuyên truyền xâm nhập của cộng sản.

Từ khi thành lập cho đến năm 1995, MTQGTNGPVN có góp công với đồng bào trong việc chống lại các chiến dịch tuyên truyền, xâm nhập bằng văn hoá, văn nghệ của CS. Tuy nhiên, từ năm 1995 trở về sau, những sự kiện sau đây đã xảy ra:

- MT trao giải Văn Học Nghệ Thuật cho Hà Sĩ Phu vào năm 1995 qua bài viết "Chia Tay Ý Thức Hệ". Tựa đề của bài viết nói trên là lý do chính để MT phát giải cho Hà Sĩ Phu, với lập luận rằng Hà Sĩ Phu đã chia tay với ý thức hệ CS. Tuy nhiên, nội dung bài viết của Hà Sĩ Phu có rất nhiều điều không đi đôi vời đề tựa, nếu không nói là mâu thuẫn trầm trọng: a/ Quan niệm của Hà Sĩ Phu về một loại nhân quyền có ba bậc tùy theo "sự tiếp cận văn hoá" và Hà Sĩ Phu kết luận rằng CS là một trào lưu đấu tranh cho nhân quyền tối thiểu, ở tầm văn hoá thấp. b/ Ca tụng Hồ Chí Minh đã tạo nên một sự nghiệp thần kỳ, là nhân vật lịch sử số 1 của dân tộc Việt Nam và của thế giới, c/ Cho rằng chủ nghĩa Mác sẽ sống lại và phát huy cái tác dụng tích cực của nó.

- Hội Chuyên Gia Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của MT, đã sử dụng tài liệu của VC để thực hiện một CD ROM về lịch sử Việt Nam. Sau khi bị phản đối, Hội Chuyên Gia ra thông cáo xin lỗi và yêu cầu những ai đã mua CD nói trên thì gửi trả về cho Hội Chuyên Gia.

- Liên Minh Việt Nam Tự Do, một tổ chưc ngoại vi khác của MT, đã phổ biến rất nhiều tài liệu VC ca tụng chủ nghĩa Mác Lê, ca tụng Hồ Chí Minh với lời giải thích rằng họ đang thực thi chiến thuật "Vận Dụng Phản Kháng".

(Cũng xin mở một dấu ngoặc ở đây, mặc dù MT phủ nhận hai tổ chức trên đây không phải là ngoại vi của MT, cũng như LM VNTD đã từng lên tiếng xác định LM là một tổ chức độc lập, nhưng một số lớn nhân sự nòng cốt của hai tổ chức này đều xuất thân từ MT. Ngoài ra, MT và LM cùng có chung một đường lối và chủ trương hoạt động giống nhau, trong đó có chiến thuật "vận dụng phản kháng".)

Vin vào những lời phê bình nhóm lãnh tụ đương quyền của các đảng viên trung kiên nhiều tuổi đảng, và cho rằng cần phải khai dụng tính phản kháng của những lời phê bình này, những loại tài liệu ca tụng chủ nghĩa Mác Lê, ca tụng Hồ Chí Minh đi kèm theo những lời phê bình nhóm lãnh tụ đương quyền đã được LM VNTD phổ biến và quảng cáo rộng rãi tại hải ngoại, không còn bị liệt kê vào diện "văn hoá phẩm tuyên truyền của VC" như trước kia.

Vì vậy, có thể nói rằng chiến thuật "Vận Dụng Phản Kháng" hay "Khai Dụng Phản Kháng" của LM VNTD vô hình chung đã trở thành một phương cách tuyên truyền cho CS. Vì chưng, sự "vận dụng phản kháng" đã tô son điểm phấn cho tác giả những bài viết, tác giả những sách vở ca tụng Hồ và chủ nghĩa Mác Lê - họ vốn là những con người CS thuần thành, những con người CS chân chính, những con người CS có phẩm hạnh đúng theo tiêu chuẩn và giá trị cộng sản như chính họ tự nhận, có người mang thành tích giết đồng bào không gớm tay như "Hung Thần Chợ Đệm Nguyễn Văn Trấn- bỗng nhiên trở thành những nhà cách mạng lão thành, những sĩ phu yêu nước, những trí thức có lương tri, thậm chí những tên CS này còn được LMVNTD ví ngang hàng với Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ.

Như quý báo cũng đã biết, Trần Độ - tác giả của những bài viết mà quý báo đã đăng tải trong mục Tài Liệu - ông tướng VC này nói thẳng rằng mình là "một con ngựa già đem sức tàn ra bảo vệ Đảng".

Nói trắng ra, những luận điệu ca tụng chủ nghĩa CS và những lời ca tụng Hồ Chí Minh trong các bài viết của Trần Độ, chẳng những sẽ không được hải ngoại đón nhận mà sẽ bị phản đối mãnh liệt và sẽ bị vứt vào thùng rác, nếu nó không đi kèm với những lời chỉ trích chế độ và chống đốinhững lãnh tụ CS hiện nay.

Mà thật sự đó đâu phải là những lời lẽ chống đối cho cam! Đúng ra, đó là những lời của đàn anh trách mắng, phê bình bọn đàn em không biết cách bảo vệ đảng và không theo đúng đường lối của Hồ Chí Minh đã vạch ra trong sự nghiệp xây dựng đảng và xây dựng xã hội chủ nghĩa!

Trong bài viết mới nhất là "Bút Ký Xuân Kỷ Mão 1999", Trần Độ minh xác một lần nữa tư tưởng trung thành với đảng và trung thành với chủ thuyết CS của mình bằng những lời lẽ như sau: "Phải thực sự tôn trọng và thực hiện khẩu hiệu rất hay đã có là "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi người". Mục tiêu chiến lược và tư duy chiến lược đó là cao nhất, nó cao hơn và bao hàm cả những nguyên tắc đã có như là: kiên trì lý tưởng XHCN, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin; vai trò của đảng CS, chứ không ra ngoài và không ngược lại. Đảng CS cần phải thu hút trí tuệ toàn dân để bồi bổ cho trí tuệ của Đảng và làm cho Đảng xứng đáng vai trò tác giả, tiền phong và tham mưu cho toàn dân tộc. Tôi cho đó là phương hướng tốt đẹp nhất..". 

Tóm lại, có đọc hết những bài viết, những sách vở của những người CS được Liên Minh Việt Nam Tự Do quảng cáo, sẽ thấy họ cùng viết theo một công thức giống nhau, nội dung gồm có hai phần rất rõ rệt: phần thứ nhất là phê bình chỉ trích nhóm lãnh tụ đương quyền, tố giác tham nhũng, vạch ra những sai lầm của chế độ, nhưng chung cuộc ở phần thứ hai, họ vẫn một mực ca tụng Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại cùng với đảng CSVN đã xây dựng nên một sự nghiệp thần kỳ, và chủ nghĩa CS vẫn là một chủ nghĩa lý tưởng, chỉ có người thi hành đã không theo đúng đường lối CS chân chính mà thôi.

Công thức này được thể hiện rõ ràng nhất qua các bài viết của Trần Dũng Tiến, Phạm Vũ Sơn, Phạm Hồng Sơn và gần đây nhất là bài "Góp Ý Để Xây Dựng Đảng" của Nguyễn Trung Trực, với những lời mở đầu sặc mùi CS không thể lầm lẫn vào đâu được, nó như thế này:

"Đảng ta, do bác Hồ sáng lập và rèn luyện đã có công lao vô cùng to lớn trong thời kỳ trước cách mạng và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong suốt tiến trình lịch sử 45 năm đó (1930-1975) Đảng đã đưa dân tộc ta từ một dân tộc nô lệ, lầm than, không có tên trên bản đồ thế giới trở thành một dân tộc anh hùng, một thời là "lương tâm của loài người, lương tri của thời đại". Có được thành quả kỳ diệu đó, chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại, bằng đạo đức trong sáng, mẫu mực của mình đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với danh hiệu của người CS chân chính, làm cho Đảng trở thành nguyên nhân của mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam." 

Những lời lẽ trên đây đã thể hiện một cách rõ ràng cái lối treo cờ đỏ và ảnh Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ, và nếu đem so sánh với hành động treo cờ đỏ và hình Hồ, hành động sì sụp vái lạy của vợ chồng Trần Trường trước hai hình ảnh ghê tởm ấy thì có khác gì nhau?

Như thế, phải chăng MT - qua các tổ chức ngoại vi - hiện nay chẳng những không còn đóng góp vào việc ngăn chận sự tuyên truyền, xâm nhập của CS qua cửa ngỏ văn hoá, mà còn có hành động ngược lại, nghĩa là tiếp tay cho CS?

Phải chăng bằng cơ quan ngôn luận chính thức của LMVNDC là nguyệt san Việt Nam Dân Chủ, bằng hệ thống internet, LM VNTD đã cổ võ và quảng bá những văn hoá phẩm tuyên truyền, trực tiếp ca tụng vinh danh Hồ Chí Minh, gián tiếp ca ngợi công lao của lá cờ đỏ (với búa liềm hoặc sao vàng), là hai hình tượng ghê tởm đã bị đồng bào chống đối cho đến cùng tại Nam California vào tháng 2 năm 1999?

"Đảng bây giờ chỉ còn là hữu danh vô thực. Hơn hai triệu đảng viên bình thường trong các chi bộ cơ sở, những người đã từng vào sanh ra tử, xung phong đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc, cay đắng bất lực nhìn Ban Lãnh Đạo Đảng gồm những tên biến chất, tha hoá về đạo đức, lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, phù phép thao túng toàn bộ đất nước. Đảng bây giờ chỉ còn là Đảng của những tên có chức quyền, chỉ lo thu vén cho quyền lợi cá nhân, suốt ngày đêm chỉ lo sao cho chắc chiếc ghế của mình để tiếp tục vơ vét làm giàu, mặc cho đại bộ phận nhân dân vẫn tiếp tục sống trong nghèo khổ..."

(Nguyễn Trung Trực, bài Góp Ý Xây Dựng Đảng"). 

Như đã nói, những lời phê bình như trên đây được LMVNTD trưng dẫn để giải thích cho cái chiến thuật "Vận Dụng Phản Kháng" của họ. Những lời phê bình chứa đựng nội dung na ná giống nhau như kiểu này có thể tìm được trong bất cứ bài viết nào của những người cộng sản kể trên, chỉ khác nhau ở cách diễn tả và văn phong, từ mộc mạc đến văn hoa, từ đơn giản đến phức tạp tùy theo người viết.

Nhóm cựu tướng lãnh như VC như Trần Dũng Tiến, Phạm Vũ Sơn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Trung Trực có lối hành văn mộc mạc; Trần Độ, Nguyễn Văn Trấn có lối hành văn của một kẻ cả nói với thuộc cấp, Hà Sĩ Phu có văn phong của một nhà khoa học, lý luận và triết học, Nguyễn Thanh Giang có lối hành văn nhẹ nhàng nhưng thuyết phục của một nhà trí thức...

Nhìn vào thực trạng các văn hoá phẩm treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ đang tràn ngập tại hải ngoại hiện nay, chúng tôi giật mình khi nhận thấy rằng, chiến thuật "vận dụng phản kháng" của LMVNTD vô hình chung đã đáp ứng đúng vào mục tiêu của chiến dịch "Hoa Hồng Đỏ", một chiến dịch dùng văn hóa, văn nghệ xâm nhập cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà vc phát động vào cuối thập niên 80'. Quan trọng hơn nữa, chiến thuật này cũng đáp ứng đúng cái chiến lược dài hạn của VC là bóp méo lịch sử, bóp méo sự thật mà mục đích tối hậu là đầu độc các thế hệ mai sau bằng những dữ kiện lịch sử do người CS viết ra.

Tóm lại, cái tác dụng tích cực của chiến thuật "vận dụng phản kháng" thì chưa thấy đâu, nhưng tai hại nhãn tiền lẫn dài hạn thì đã thấy rõ ràng: những đảng viên trung kiên, chung thủy, trung trinh với đảng CS, với Hồ Chí Minh và Mác Lê, tự dưng trở thành những con người yêu nước thương nòi, những chiến sĩ nhân quyền ... Thành phần này sẽ đóng vai đối lập cốt cán nếu có cuộc "bầu cử dân chủ" với sự giám sát của quốc tế!

Lúc ấy, VC không cần chơi trò gian lận, mà cuộc bầu cử "dân chủ" cũng đi đến kết quả chung cuộc là những người đắc cử toàn là đảng viên và cán bộ CS, thành phần không cộng sản may mắn lắm là được dăm ba người!

Thử tưởng tượng một "Quốc Hội Dân Chủ" với thành phần CS trung kiên nắm đa số như thế, thì nó khác với cái Quốc Hội CS hiện nay ở chỗ nào? Cái khác nhau, phải chăng là nó được quốc tế hợp thức hóa tính cách dân chủ? Lúc ấy thành phần thiểu số không cộng sản làm sao đương đầu với thành phần đa số CS trong các vấn đề quan trọng, như biểu quyết về lá quốc kỳ chẳng hạn?

Trở lại thực trạng hiện nay, những lời phê bình, chống đối suông từ cửa miệng của những cán bộ CS thuần thành như trên, ngẫm lại nó có tác dụng tương tự như những lời mật ngọt của Hồ Chí Minh khi mô tả một nền dân chủ-tự do- độc lập- hạnh phúc. Nó là cái bánh vẽ đã từng được sử dụng trong thời kỳ kháng Pháp. Và bây giờ cũng thế, chỉ là bánh vẽ, không bao giờ trở thành hiện thực.

Bởi vì, thực chất của những lời chống đối này nó nằm trong khuôn khổ "phê và tự phê" để xây dựng đảng, để củng cố đảng! Nhưng tai hại thay, nó lại trở thành khuôn vàng thước ngọc, là kim chỉ nam cho một số tổ chức chính trị của người Việt "quốc gia" đang đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Đây là một điều nguy hại khôn lường.

II- Việc không công bố ông Minh đã hy sinh là chuyện nội bộ của MT

 Quý báo viết rằng việc MT chưa công bố sự hy sinh của Tướng Hoàng Cơ Minh là vì lý do chiến lược, chiến thuật, tâm lý, do di huấn của ông Minh hay vì một lý do nào khác và đó là chuyện nội bộ của MT. Và quý báo cũng viết rằng MT phải tôn trọng ý kiến của người khác và chấp nhận sự dị nghị trong tinh thần dân chủ.

Chúng tôi xin lần lượt góp ý về những điểm kể trên:

1. Có phải đây là chuyện nội bộ của MT?

Để giản lược, chúng tôi xin phép được lấy trường hợp "Quỹ Pháp Lý" của quý báo để phân định thế nào là chuyện nội bộ và thế nào là chuyện của công chúng.

Làng Văn lập ra Quỹ Pháp Lý để có đủ tài chánh trang trải cho vụ kiện B-40. Khi kêu gọi mọi người đóng góp, quý báo có nêu rõ các điều kiện mà luật sư của quý báo cố vấn, như nếu Làng Văn thắng kiện, thì những người đóng góp không được chia phần. Đó là tinh thần ngay thẳng của quý báo, và những người đóng góp sẽ không có một thắc mắc nào khi quý báo thắng kiện mà không chia phần với họ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng quý báo có bổn phận phải thông báo trên mặt báo Làng Văn diễn tiến của vụ kiện sau khi kết thúc, cũng như liệt kê chi tiết về các khoản chi thu của Quỹ Pháp Lỳ như quý báo đang làm hiện nay.

Quý báo có thấy rằng đến giai đoạn này, thì vụ kiện tụng giữa B-40 và Làng Văn không còn tính cách nội bộ của báo Làng Văn nữa, vì nó không chỉ giới hạn trong phạm vi của tờ báo mà đã đi vào công chúng, được quý báo công khai hóa vì có sự đóng góp của công chúng, cho dù sự đóng gióp không có tầm rộng lớn như trường hợp của MT quyên góp tiền Yểm Trơ Kháng Chiến từ đồng bào hải ngoại.

Từ đó, suy ra vấn đề sống chết của ông Hoàng Cơ Minh không phải chỉ là chuyện nội bộ của MT, mà là một vấn đề thuộc về công chúng, công chúng có quyền biết đến nội vụ và MT có bổn phận phải làm sáng tỏ.

Cũng cần nói cho rõ, không phải vì công chúng đóng góp tài chánh nên MT có bổn phận phải bạch hoá vấn đề, mà vì bên cạnh tiền bạc, công chúng còn đóng góp cả công lao, thời giờ, tâm huyết, đóng góp hết cà tấm lòng vào công cuộc đấu tranh chung mà MT đã công khai đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, đem mạng sống của đoàn viên- xuất thân từ công chúng, là đồng bào- để thực hiện trách nhiệm ấy.

Đây mới chính là yếu tố quan trọng, có thể nói là món nợ tinh thần vô giá mà MT và đồng bào đã cùng cưu mang với nhau.

2. Vì lý do chiến thuật, chiến lược.

Nếu MT viện dẫn lý do chiến thuật, chiến lược ; thì vấn đề sống chết của ông Minh nếu được bạch hoá bây giờ nó sẽ gây "nguy hiểm" cho MT ở điểm nào? Cho đến bây giờ, MT vẫn chỉ lặp lại những luận điệu cách đây 12 năm. (Chú thích: thời điểm viết bài này là tháng 7 năm 1999)

Nhân đề cập đến vấn đề chiến lược, chúng tôi cũng xin đóng góp một vài ý kiến. Cũng xin MT đừng chụp mũ là chúng tôi "đánh hôi" , vì thật ra chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này cách đây khoảng một năm, trước khi ông Hoàng Duy Hùng lên tiếng vế cái chết của ông Hoàng Cơ Minh.

Trong khi góp ý về Bản Văn Kiện Dân Chủ Hoá Việt Nam do Liên Minh Việt Nam Tự Do ra mắt tại vùng Hoa Thịnh Đốn vào tháng 7 năm 1998, chúng tôi có đối thoại với Bác Sĩ Đặng Vũ Chấn - cơ sở trưởng của MT tại vùng HTĐ - trên tuần báo Văn Nghệ số 55 phát hành ngày 4 tháng 9 năm 1998, về những vấn đề Lợi - Hại trong công cuộc đấu tranh chung, trong đó có đề cập đến cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, nay xin trích lại:

Thưa bác sĩ,

Vấn đề lợi hại chúng tôi đã đề cập trong phần “Kiến Tiểu Lợi“ của bài “Những Suy Tư Về Bản Văn Kiện”, ở đây chúng tôi sẽ không lặp lại những ý kiến đã viết, chỉ xin trưng dẫn một trường hợp rất điển hình về hậu quả của cái lợi nhỏ dẫn dắt đến cái hại to.

Khi ông Hoàng Cơ Minh và toàn bộ tham mưu bị hy sinh, MT không công bố cái chết của ông mà nói rằng ông Minh vẫn còn sống. Những lập luận sau đây được đưa ra :

- Trước hết, MT hiện có đầy đủ những dữ kiện minh chứng là bản tin đài phát thanh Lào cộng loan đi là một tin ngụy tạo, không có thật. Nhưng công bố những dữ kiện này cũng có thể đưa tới một hậu quả gián tiếp là cho kẻ thù biết về hệ thống và khả năng thông tin liên lạc giữa các đơn vị kháng chiến, giữa quốc nội với hải ngoại. Trong điều kiện đấu tranh hiện tại, MT chưa thể công bố những dữ kiện này, chắc quý vị cũng thông cảm cho

- Chúng tôi nghĩ là không lẽ mỗi khi VC loan báo một tin gì là mình phải minh chứng điều ngược lại, trong khi kinh nghiệm của người mình với nhau cho thấy là VC có bao giờ nói thật

- Nếu chúng ta không có niềm tin và sự tín nhiệm giữa những người cùng chung lý tưởng, chúng ta luôn luôn bị đặt vào thế bị động, kẻ thù luôn luôn được chủ động, gây hoang mang trong tinh thần chúng ta

- MT không bao giờ có nhu cầu chứng minh sức mạnh bằng những tổn thất, nhất là những tổn thất do bạo quyền ngụy tạo để trấn an cán binh của chúng. MT cũng không bao giờ đem xương máu của đồng đội hay đồng bào làm thành quả chứng minh sức mạnh của mình

- Một điều căn bản mà các đoàn viên MT phải tuân theo, đó là nhu cầu bảo vệ tổ chức, chúng tôi không bao giờ tiết lộ chủ tịch Hoàng Cơ Minh hiện giờ ở đâu, hay lầnchót gặp nhau ở đâu, khi nào. Chúng ta đang tranh đấu chống lại một kẻ thù gian manh hung hiễm và vô cùng tàn bạo. Nhưng điều chắc chắn mà quí vị có thể tin tưởng được , đó là chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh hiện vẫn bình an và đang tiếp tục lãnh đạo công cuôc giải phóng đất nước ( trích báo Kháng Chiến số 70, tháng 12 năm 1987- trang 14,15,16 ) 

Nhưng sau một thời gian dài, khi thắc mắc về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh không được MT giải đáp thẳng thắn, thì quần chúng nhìn thấy MT là một tổ chức không thể tin tưởng được, nói thẳng ra là MT có chủ tâm lừa dối đồng bào, sự lừa dối này đã gây ảnh hưởng không tốt đẹp chẳng những đối với quần chúng mà còn tác hại đến tinh thần của đoàn viên. Chắc Bác sĩ cũng biết riêng tại địa phương HTĐ có bao nhiêu đoàn viên và thân hữu đã rời bỏ MT? Đây là một điều rất “cụ thể” về cái điều mà Bác sĩ gọi là “làm cho người quốc gia bị mất khả tín” ( loose credibility ), nó không do sự ‘đánh phá ’ từ bên ngoài mà chính do MT tự hủy hoại (self- destruction). Hành động tự hủy hoại này có nhiều lý do để giải thích, trong đó có giả thuyết bị địch xâm nhập và nắm được đầu não của tổ chức đã từng được công luận đề cập đến, công luận cũng đã nêu đích danh thành phần bị nghi ngờ. Phải nói đây là một tiến trình triệt hạ MT rất tinh vi, dùng cái lợi nhỏ ngắn hạn trước mắt để dẫn dụ đến cái tai hại to tát về sau trên con đường dài đấu tranh, mà chủ đích tối hậu của CS là biến MT thành ‘một tổ chức lừa gạt đồng bào’.

Trở lại những góp ý về Bản Văn Kiện Dân Chủ Hóa, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Hội Người Việt Quốc Gia Vùng HTĐ về giả thuyết xâm nhập của địch. Dưới nhận xét của chúng tôi, thì triệu chứng bị xâm nhập đang tái diễn trong tổ chức Liên Minh Việt NamTự Do hiện nay, căn cứ vào sự kiện LM đang áp dụng những phương sách chỉ đem những điều lợi nhỏ trong hiện tại nhưng nó sẽ gây ra những tai hại rất lớn về sau….

Thưa quý báo,

Đó là những ý kiến của chúng tôi cách đây một năm về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, cũng như những nghi vấn về nhân vật xâm nhập nằm ngay trong đầu não của tổ chức, đóng vai trò chỉ đạo, nắm chức Vụ Trưởng Vụ Tuyên Vận , Vụ Trưởng Vụ Kế Hoạch của Tổng Vụ Hải Ngoại, một trong những người đã đưa ra những chiến lược chiến thuật khiến cho MT đi từ thất bại này đến thất bại khác: từ cái chết của toàn thể bộ chỉ huy tại quốc nội cho đến sự hủy hoại uy tín của MT tại hải ngoại, trong đó phải kể đến vụ kiện báo chí mà kết quả là MT bị thua.

3 - Lý do Tâm lý

MT cho rằng nếu công bố vị lãnh tụ của mình đã chết, thì sẽ gây bất lợi về mặt tâm lý cho các đoàn viên cũng như đồng bào. Lập luận này hoàn toàn sai, vì chính hành động che dấu cái chết của ông Hoàng Cơ Minh mới gây ra nhiều bất lợi về mặt tâm lý.

Như quý báo đã có ý kiến về phản ứng tâm lý của mọi người đối với cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, rằng :

Đối với dân tộc Việt Nam, và nhất là với tất cả những người dấn thân đấu tranh giải thể chế độ độc tài CS, đây là một cái tang lớn….. Đau buồn, nhưng không vì thế mà thối chí ngã lòng; ngược lại, đó là những tấm gương sáng, là ngọn hải đăng để mọi người noi dấu, khích lệ nhau…

Nếu MT là những người thuộc lịch s và am hiểu tâm lý quần chúng trong công cuộc đấu tranh chung, thì MT cũng phải nhớ đến cái chết của Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái, cái chết của Nguyễn Thái Học và 12 thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã khích động tinh thần tranh đấu của quần chúng như thế nào ?

Sự hy sinh của ông Hoàng Cơ Minh và các cánh quân Đông Tiến tự bản chất đã là một niềm khích động lớn lao, MT chỉ cần công bố sự thật mà không cần phải áp dụng đến bất cứ phương pháp tuyên vận nào hết cũng đạt được yếu tố thuận lợi trên phương diện tâm lý quần chúng, một yếu tố quan trọng rất có lợi cho đại cuộc. Công bố sự thật cũng không có nghĩa là “đem xương máu của đồng đội để chứng minh sức mạnh của mình” như MT đã từng quan niệm và đã viện dẫn quan niệm này như là một lý do để không công bố sự thật. Đây là một lối lập luận đầy tính mị dân và đạo đức giả, nhưng đồng thời lại là một hành động vô nhân đạo đối với đồng đội của mình, vì khi MT phủ nhận biến cố tại Nam Lào, MT cũng làm ngơ không can thiệp, không đấu tranh cho sự tự do của các kháng chiến quân đang bị VC giam cầm ỏ trong nước; trong khi đó thì MT và các tổ chức ngoại vi lúc nào cũng lớn tiếng đấu tranh, đòi hỏi tự do cho những người khác, kể cả thành phần CS, như tổ chức biểu tình cho Hà Sĩ Phu, vận động chính gii Hoa Kỳ ký tên vào văn thư yêu cầu Hà Nội trả tự do cho Nguyễn Thanh Giang, v.v…

Ngoài ra, MT đã không lượng giá đúng mức một tác hại khác của thái độ che dấu sự thật, là nó đã làm cho đồng bào liên tưởng đến chính sách bưng bít thông tin của VC mà MT và các tổ chức ngoại vi luôn luôn cảnh giác đồng bào cũng như cực lực lên án, đả kích chính sách ấy. Hơn nữa, MT phải biết ràng bưng bít thông tin tại hải ngoại là một điều rất khó thực hiện, vì rằng hải ngoại là một môi trường thông tin được mở rộng với tất cả mọi phương tiện truyền thông, không một phương pháp bưng bít nào có thể kéo dài được mãi, kể cả phương pháp chụp mũ những người nói lên sự thật là thành phần đánh phá, là gây chia rẽ, là làm lợi cho VC v.v…Phương pháp chụp mũ này cũng nói lên cái tinh thần phản dân chủ của những người lúc nào cũng cao giọng lớn tiếng kêu gào đấu tranh cho dân chủ, quả thật không còn gì mai mỉa cho bằng!

4 - MT phải tôn trọng ý kiến của đồng bào.

Quý báo cho rằng MT phải tôn trọng ý kiến của đồng bào, vì ít ra đồng bào đã tỏ ra tôn trọng quyết định của MT về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh trong 12 năm nay.

Xin lưu ý, lúc nào MT cũng nói rằng luôn tôn trọng ý kiến của mọi người, nhưng khổ nỗi, khi công bố rằng “ chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh vẫn bình an, khỏe mạnh và đang tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trong nước ”, tức là MT đã tỏ ra khinh thường, không tôn trọng mọi người rồi còn đâu! Chúng tôi vẫn nhớ rõ, mỗi khi ông Nguyễn Kim có dịp tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, câu đầu tiên của ông là: “Chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh gửi lời kính thăm đồng bào”. Lúc đầu thì nghe không chối tai, nhưng với thời gian, câu nói này đã trở thành những lời nói dối trắng trợn mà người nói hình như không còn biết ngượng miệng, nó giống như là một cái tát vào mặt những người nghe, không thể nào chấp nhận được. Trong thông cáo gửi đến báo chí để phản đối LS Hoàng Duy Hùng, MT cũng nhắc lại là sẵn sàng đón nhận những ý kiến , nhưng khi có người lên tiếng thì lại làm lơ, hoặc nói vòng quanh , lặp lại những điều đã nói cách đây 12 năm, rơi vào cái vòng lẫn quẩn không có lối thoát và càng ngày càng lún sâu vào thái độ khinh thị xem thường đồng bào .

Đã không tôn trọng đồng bào, thì tại sao lại muốn đồng bào phải tôn trọng mình ?!

        III - Sự cáo buộc không có lợi cho đại cuộc ?

Để biết sự cáo buộc của ông Hoàng Duy Hùng đối với MT có ảnh hưởng lợi hại thế nào đến đại cuộc, chúng tôi xin mạn phép đưa ra một vài khía cạnh của vấn đề.

Theo sự trình bày của ông Phạm Văn Thành thì nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Hoàng Cơ Minh và các cánh quân Đông Tiến, tuy không trực tiếp kết luận, nhưng những dữ kiện được nêu lên trong bài viết gián tiếp cho biết quốc nội (Tổng Vụ Quốc Nội) đã bị địch xâm nhập.

Trong khi đó tại hải ngoại, giả thuyết bị VC xâm nhập và tung hoành ngay ở đầu não của Tổng Vụ Hải Ngoại cũng đã được công luận đề cập đến.

Để biết giả thuyết xâm nhập vào Tổng Vụ Hải Ngoại có giá trị đến mức độ nào, chúng ta thử nhìn lại những khó khăn và thất bại của Mặt Trận tại hải ngoại.

1/ Sự rạn vỡ của Mặt Trận

Đại Hội Chính Nghĩa diễn ra vào tháng tư năm 1983 với tinh thần đấu tranh sôi sục và khí thế chống cộng bừng bừng của người Việt tại hải ngoại, nhưng chỉ hơn một năm sau, vào tháng 12 năm 1984 thì MT bị rạn vỡ.

Vấn đề rạn vỡ của MT đã được báo chí Việt Nam hải ngoại thời ấy đề cập đến rất nhiều, ở đây, chúng tôi chỉ xin trích dẫn tài liệu của Cụ Phạm Ngọc Lũy trong "Hồi Ký Một Đời Người- Tập II". Cụ Phạm Ngọc Lũy, nguyên Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến, là một chứng nhân quan trọng về sự thành hình cũng như sự rạn vỡ của MTQGTNVN.

Theo nội dung của một số tài liệu trong "Hồi Ký Một Đời Người- Tập II", thì có nhiều nguyên nhân đưa đến sự rạn vỡ, trong đó tác nhân đáng kể nhất là nhân vật Nguyễn Xuân Nghĩa. Cụ Phạm Ngọc Lũy đã đề cập đến Nguyễn Xuân Nghĩa như sau:

- Người có nhiều sáng kiến nhất về Đại Hội (Chính Nghĩa) là Phạm Dương Hiển, cũng là người giới thiệu Nguyễn Xuân Nghĩa từ San Francisco sang giúp Đại Hội. ( tr. 110)

- Sau Đại Hội, Hoàng Cơ Minh đã lấy lại sức, không còn bị sốt rét như hôm tới Virginia, cho biết sẽ để Nghĩa giữ chức vụ Tuyên Vận. Quả thực, sau khi nghe lời này, tôi toát mồ hôi. Trực giác đã giúp tôi nhận ra có cái gì bất thường….( tr.120 )

- Khi Hoàng Cơ Minh cho biết đưa Nghĩa vào chức vụ Ủy Viên Tuyên Huấn, tôi đã nói: “Nghĩa đã ở lại với CS năm năm, nên cần một thời gian để hiểu Nghĩa, để tìm hiểu công việc Nghĩa đã làm khi ở lại Sài Gòn. Nghĩa có rất nhiều khả năng, làm việc thâu đêm suốt sáng không biết mệt…nhưng càng tài giỏi bao nhiêu, một khi gây tai hại thì tai hại sẽ to lớn không lường được. Giữ một nhiệm vụ có ảnh hưởng đến sinh mệnh MT thì cần phải đắn đo , suy nghĩ…”. Tuy ở cùng nhà 6604 Lee Highway gần hai tháng, không một lần nào tôi nói với Nghĩa về chi tiết công việc tôi đã làm ở các nơi, và cũng không hề hỏi Nghĩa những ngày Nghĩa ở lại Sài Gòn. (tr. 139,140)

- Mở đầu phiên họp, Liễu buộc tội Nghĩa từ khi vào MT luôn luôn gây bất hòa giữa người này với người kia, như công kích Đinh Mạnh Hùng, cư xử không tốt với Nguyễn Bích Mạc. Báo Kháng Chiến dưới sự trông coi của Nghĩa đã được xử dụng để gây chia rẽ, mượn lời Lê Hồng (Đặng Quốc Hiền) để mạt sát tập thể quân đội. Giới sinh viên, văn nghệ sĩ, Phật giáo … đều có lời than phiền. Thoạt đầu, Liễu cho rằng Nghĩa còn quá trẻ nên nông nổi, cho đến khi Ủy ban Phản Gián An Ninh khuyến cáo nên thay thế Nghĩa ở chức vụ Tuyên vận. Vì Nghĩa, sau 75 tiếp tục ở lại Việt Nam, đã cộng tác với Nguyễn văn Hảo, không hề phải đi học tập cải tạo, đó là chưa kể đến yếu tố Nghĩa là cháu của Tổng Bí Thư VC Nguyễn văn Linh đang gây nghi vấn trong dư luận. Vì sinh mệnh của MT, đây là vấn đề an ninh nên chỉ hội ý với Ủy Ban An Ninh mà không triệu tập phiên họp Tổng Vụ (tr. 224)

- Trần Xuân Ninh, sau khi nghe những lời nói đi đáp lại đã dằn từng tiếng: “Tôi có cảm tưởng Nghĩa là nguyên nhân của mọi sự việc, Nghĩa đứng đầu lá thư nặc danh, Nghĩa gây ảnh hưởng với chiến hữu Chủ tịch, với chiến hữu Định. Vậy có phải đúng Nghĩa là nguyên nhân của mọi sự rắc rối, và như thế có đúng không?”. ( tr.226 )

- Ngày 23, Nguyễn tường Bá đã nói câu chót buổi họp: “Nếu chiến hữu Định tiếp tục nghe và tin theo chiến hữu Nghĩa thì vấn đề còn nhiều khó khăn lắm!”. ( tr. 228 )

- Liễu không dằn được, nói tiếp: “Tôi chưa hề làm gì để rung thang cả. Chiến hữu Chủ tịch đề cập đến vấn đề thay thế Tổng Vụ Trưởng, còn hải ngoại chưa hề bảo quốc nội phải từ chức dù công việc không tiến triển. Không phải Nguyễn Nam viết lá thư gửi đi các nơi. Những người khác đã viết để Nguyễn Nam ký tên.” ( tr.236 )

- Hoàng Cơ Định (Phan Vụ Quang) vẫn giọng gay gắt: “Không nên buộc tội người vắng mặt. Nếu bảo rằng không ai có quyền, chỉ là phân chia trách nhiệm thì Tổng vụ Trưởng có quyền gì giải nhiệm Vụ trưởng Nguyễn Đồng Sơn (Nghĩa). Tôi đề nghị mời chiến hữu Đồng Sơn tham dự phiên họp. Phải để Đồng Sơn có tiếng nói..” (tr.237) 

Qua những mẫu sự kiện rải rác trên đây, nếu ráp nối lại, chúng ta có thể nhìn ra một phần của lời giải đáp về nhân vật Nguyễn Xuân Nghĩa và mối tương quan của đương sự đối với sự rạn vỡ của MT.

Cũng theo tài liệu đã dẫn, trang 252- 253, vào ngày 29 tháng 12 năm 1984, MT có hai buổi họp cùng ngày cùng giờ, một tại Nam Cali do ông Trần Minh Công triệu tập và một tại Bắc Cali do ông Hoàng Cơ Minh triệu tập. Trong khi mọi người tại Nam Cali đang tranh luận và mong muốn hai người có trách nhiệm lớn nhất là Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu phải hòa giải với nhau, thì tại Bắc Cali ông Hoàng Cơ Minh tuyên bố cắt cử ông Nguyễn Kim vào chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại để thay thế ông Phạm văn Liễu. Mọi người trong phiên họp tại Nam Cali đều ngỡ ngàng, thất vọng, đã bất ngờ đi đến một quyết nghị không nhìn nhận sự thay đổi mà ông Hoàng Cơ Minh vừa tuyên bố. Thế là MT bị rạn vỡ!

Nguyễn Xuân Nghĩa ngay sau đó được phục hồi chức Vụ trưởng Vụ Tuyên Vận đã bị ông Liễu giải nhiệm. Một thời gian sau, Nguyễn Xuân Nghĩa đảm nhiệm chức Vụ Trưởng Vụ Kế Hoạch của Tổng Vụ Hải Ngoại.

2/ Ngày Quốc Khánh

Một trong những kế hoạch tuyên vận trong thời gian Nguyễn Xuân Nghĩa làm Vụ trưởng Tuyên Vận và Vụ Trưởng Kế Hoạch là lấy ngày Giổ Quốc Tổ Hùng Vương làm ngày Quốc Khánh cho Việt Nam, kể từ năm 1986.

Vấn đề này đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt tại hải ngoại trong một thời gian khá lâu. Để đạt mục tiêu, mỗi năm vào Ngày Quốc Khánh – Ghi Ơn Quốc Tổ, MT đã huy động các đoàn viên trên lãnh thổ Hoa Kỳ và thế giới, nếu có thể, thì tụ họp về địa điểm tổ chức, được luân phiên thay đổi tại các địa danh quan trọng khác nhau trên thế giới.

Những năm đầu tiên, ngày Quốc Khánh được tổ chức rất rầm rộ, nhưng theo thời gian, ý niệm Quốc Khánh nằm trong ngày Giổ Tổ Hùng Vương càng ngày càng phôi pha trong lòng của đồng bào hải ngoại , một phần vì không hợp lý, một phần vì tâm lý của đồng bào cảm thấy như bị áp đặt, một phần nữa do ảnh hưởng từ những thất bại và tai tiếng khác của MT. 

3/ Vụ MT kiện báo chí và Quỹ Công Lý

Theo tài liệu của ông Trần Củng Sơn, thì vụ MT kiện báo chí diễn tiến như sau :

Vụ kiện bắt đầu từ năm 1991:

- Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa kiện Nguyễn Thanh Hoàng, Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong, Chu Tri Lục (tác giả ba bài báo đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong), Cao Thế Dung.

- Hoàng Cơ Định kiện báo Văn NghTiền Phong.

Năm 1992: Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh kiện Cao Thế Dung, Vũ Ngự Chiêu, nhà xuất bản Đa Nguyên, Văn Hóa, Quốc Dân Thời Báo (do Vũ Ngự Chiêu làm chủ nhiệm)

Lý do kiện là bị đơn đã vu cáo phỉ báng bên nguyên đơn qua 3 bài báo và cuốn sách mà Cao Thế Dung là tác giả.

Tổng cộng có ba đơn thưa kiện khác nhau nhưng Tòa gom lại thành một vụ kiện để xét xử vào tháng 12 năm 1994. (sách MT Kiện Báo Chí, tr. 7).

Sau hai tuần xét xử, vụ kiện có kết quả như sau :

Đúng 3 giờ 15 phút chiều ngày 22 tháng 12 năm 1994, Bồi thẫm đoàn đưa phán quyết cho tòa công bố là: “không đủ yếu tố để cáo buộc bên bị đơn mạ lị”, với tỉ lệ 11-1 phiếu.

Như vậy bên nguyên đơn gồm Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa và Trần Xuân Ninh đã không chứng minh được là bên kia gồm Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Vũ Ngự Chiêu mạ lị mình, và như thế số tiền đòi bồi thường 550 ngàn coi như không có và họ phải trả tất cả mọi án phí của Tòa.( tlđd, tr. 121-122 )

Cũng theo ông Trần Củng Sơn,

- “đây là một vụ xử dân sự ( Hộ) Mặt Trận kiện tác giả Cao Thế Dung (về ba bài viết và một cuốn sách nói về MT) về tội mạ lỵ, nhưng khi đăng đường, nội vụ đã trở thành một vụ hình sự (Hình) liên quan tới giết người, khủng bố, lường gạt, trốn thuế… ” (tlđd, tr.89)

- “Họ bị bên MT cáo buộc là đã viết báo, sách vu khống phỉ báng, nhưng họ đã phản công ngược lại, tố cáo MT bao nhiêu chuyện xấu. Nào là lường gạt đồng bào về vụ chiến khu không có thật ở Việt Nam. Lem nhem tiền bạc đóng góp, khủng bố đe dọa người cầm bút…” (tlđd, tr.92 )

- “Dư luận vẫn thắc mắc về một câu hỏi là tại sao MT lại lao đầu vào vụ kiện này để rồi bị phe bên kia báo chí phản công tố cáo nhũng mặt xấu ê chề trước tòa và công luận người Việt hải ngoại.

Nếu MT thắng kiện cũng chẳng vinh quang gì, mà thua thì càng tệ hơn.

Có lẽ họ không ngờ tình hình như thế này, có thể họ kiêu ngạo vì có tiền và nhân sự trong tay. Có thể ban tham mưu cố vấn của MT không còn ai sáng suốt ..” ( tlđd, tr. 126 ).

Sựthua kiện cũng gây bất lợi về mặt tâm lý đối với một số người đóng góp vào quỹ Công Lý. Quỹ Công Lý là quỹ xin tiền của công chúng để ủng hộ tài chánh cho vụ kiện do một nhóm “thân hữu” của MT đứng ra quyên góp. Phải nói thật, lúc MT bị thua kiện, hai tiếng Công Lý sao mà nghe nó mỉa mai, đầy diễu cợt và cũng cay đắng đến ê chề! Chưa bao giờ mà hai chữ Công Lý bị lạm dụng và bị lăng nhục đến như vậy!

Cũng theo ông Trần Củng Sơn, thìsố tiền hai ba trăm ngàn đô la mà Mặt Trận đổ vào cuộc chơi kiện tụng này, hẵn là những đồng bạc chắt chiu đóng góp của đồng bào hải ngoại từ già tới trẻ hơn mười năm qua cho cái gọi là ‘kháng chiến’. Sao họ lại có thể phung phí như vậy được nhỉ?

Vì thế, điều thắc mắc quan trọng hơn hết, ai là người đã khởi xướng vụ kiện? Để rồi từ vụ kiện này mà các vấn đề có nhu cầu phải bảo mật, những điều mà MT không muốn tiết lộ đã bị phơi bày không bỏ sót một khía cạnh nào, kể cả cái chết của người lãnh đạo tổ chức là ông Hoàng Cơ Minh cũng bị đề cập tới trong lúc lấy lời khai của hai bên!

Bên cạnh vấn đề đó, ai là người đề nghị thành lập quỹ Công Lý để xin tiền? Nó làm cho người ta liên tưởng đến những đồng tiền của công ty phở Hòa: thế còn tiền lời của công ty phở Hòa đâu, sao không trích ra một ít để trang trãi cho vụ kiện, mà phải đi xin tiền của công chúng cho có vẽ bệ rạc như thế?

Một dữ kiện khác cũng cần phải nhắc lại ở đây, là sau khi nộp đơn kiện ít lâu, thì Nguyễn Xuân Nghĩa ra khỏi MT vì một lý do cá nhân. Cựu Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức lúc ấy có viết một bài về vấn đề này, trong đó có nói đại ý rằng, nhiệm vụ đã thi hành xong, thì đương sự ở lại MT làm gì nữa?

Thưa quý báo,

Chúng tôi đã trình bày một vài khía cạnh đáng lưu tâm, có liên quan đến vấn đề hy sinh của ông Hoàng Cơ Minh và các cánh quân Đông Tiến. Nếu chúng ta chịu khó phân tích cho rõ ràng, thì sẽ thấy lời cáo buộc của LS Hoàng Duy Hùng sẽ dẫn đến những bài học có lợi cho đại cuộc nhiều hơn là có hại.

- Thứ nhất, đây là một bài học cho các tổ chức đấu tranh hiện nay, trong đó vấn đề nhân sự và tình báo cần phải được chú trọng đúng mức. Thủ đoạn xâm nhập phá hoại của VC cần phải được mỗ xẻ và phơi bày qua kinh nghiệm đau đớn của MT. Mặc dù MT luôn luôn phủ nhận và làm ngơ, nhưng phân tích mỗ xẻ vấn đề, là bổn phận của đồng bào, vì đây là chuyện đại cuộc, chuyện chung, chứ không phải là chuyện riêng tư của MT.

- Thứ hai, cũng là một bài học cho giới trẻ hiện nay đang nhập cuộc, đang Dấn Thân, đang Lên Đường. Nếu tuổi trẻ không rút tỉa kinh nghiệm của lớp người đi trước, không có sự suy nghĩ chính chắn và những phân định sáng suốt về những mánh khóe xâm nhập xảo quyệt của VC, thì công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương sẽ khó thành công.

- Thứ ba, hiện nay nhân vật Nguyễn Xuân Nghĩa đang cộng tác với đài Á Châu Tự Do, các thành phần đấu tranh chính trị nghĩ thế nào về hiện tượng này?

Trân trọng.

Phan Kim Điện

Springfield, ngày 15 tháng 7 năm 1999.

Kính gửi :

- Báo Làng Văn

- Ông Hoàng Duy Hùng

- Các giới chức có liên hệ trong bài viết

 “Để tùy nghi”


Bài liên quan:
Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phóng Vẩn - Về Bọn Sát Nhân Cầm Máy Của PBS/ProPublica Nguyễn Xuân Nghĩa

Phóng viên làm phim “Terror in Little Saigon”, A.C. Thomson xin lỗi cộng đồng VN. Nhà sản xuất phim là một người Việt Nam

Phim “Nỗi Kinh Hoàng ở Little Saigon”: Phép thử cho lương tâm và trách nhiệm

Ai đứng đằng sau “Terror in Little Saigon”?

Hoàng Cơ Định xác định có K-9...

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ

Tại Sao Là Lúc Này??? "Terror In Little Saigon" - Khủng Bố Tại Little Saigon

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: “Mặt Trận là một chương đen tối của đời tôi"

Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc: "Terror in Little Saigon" là phim dở, đầu voi đuôi chuột…