Ngọc Lan/Người Việt (27/8/2016)

WESTMINSTER, Calif. (NV) – “Trong 5 người thì 1 người có tâm bệnh. Tâm bệnh có nhiều cường độ nhẹ, vừa và nặng, trong 25 người thì 1 người có tâm bệnh nặng. Và có cả trăm loại tâm bệnh, như trầm cảm (depression), phân tâm liệt (schizophrenia), hưng trầm cảm (bipolar), hồi hộp lo sợ (anxiety)…”


Tiến sĩ Tâm lý Trị liệu Matsuda Đông Xuyến (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tiến sĩ tâm lý trị liệu Matsuda Đông Xuyến, người nhiều năm kinh nghiệm trong lãnh vực chẩn đoán và điều trị những bệnh nhân có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, giới thiệu một số thống kê của cơ quan NAMI (National Alliance for the Mentally Ill) tại Hoa Kỳ về người có tâm bệnh, nhằm chuẩn bị cho chương trình đi bộ mang tên “Hãy đồng hành cùng chúng tôi” diễn ra từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày Thứ Bảy, 10 Tháng Chín, tại công viên Mile Square Park.

Tâm bệnh không phải là bệnh do tưởng tượng mà ra

Tâm bệnh thực ra là bệnh do sự xáo trộn hoạt động của những chất hóa học có trong não, làm ảnh hưởng đến xúc cảm của con người, làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người.

“Nói như vậy để thấy đây là vấn đề có tính sinh hóa chứ không phải là một điều người ta tưởng tượng ra,” Tiến sĩ Đông Xuyến nhận định.

Lấy ví dụ từ những người bị trầm cảm, cô dẫn dắt vấn đề, “Cũng như người bị trầm cảm, đâu phải tại họ lười, đâu phải họ không muốn đi làm, hay tự tưởng tượng ra những suy nghĩ tiêu cực. Nguyên nhân là do thiếu những hóa chất có trong não, làm cho người ta cảm thấy tiêu cực, mất đi sức sống, và mất đi sự ham muốn trong đời sống.”

“Cho nên khi thấy trong đời sống vợ chồng hay giữa cha mẹ với con cái có những gì không như bình thường, thì mình cứ đổ cho họ thế này thế kia, rồi đưa các giá trị đạo đức ra để phán xét họ, mà đôi khi không biết là người thân của mình có tâm bệnh,” cô nói.

Theo Tiến sĩ Tâm lý trị liệu Đông Xuyến, “Nghiện cũng là tâm bệnh. Nghiện cũng có nhiều loại, nghiện thuốc, nghiện cờ bạc, nghiện về tình dục… tất cả đều là tâm bệnh hết.” Tuy nhiên, như cựu Tổng Thống Bill Clinton từng nói, “Tâm bệnh không là điều phải xấu hổ, sự kỳ thị và thành kiến làm tất cả chúng ta thấy hổ.”

“Người Việt Nam hay chú ý về vấn đề sức khỏe thể chất, nhưng khi nói về sức khỏe tâm lý hay tâm bệnh thì lại có phần né tránh. Vấn đề ngày hôm nay là tâm bệnh có ảnh hưởng đến chức năng trong suy nghĩ, trong cảm xúc và trong hành vi, và những điều này đều hỗ tương nhau. Thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi có đến 20% bị tâm bệnh và 90% những người tự tử đều là những người có tâm bệnh,” cô phân tích.

Từ những số liệu thống kê cho đến kinh nghiệm thực tế, Tiến Sĩ Tâm Lý Trị Liệu Đông Xuyến, khẳng định, “Nói vậy để thấy tâm bệnh là vấn đề khá phổ cập, phổ biến, chứ không phải như nhiều người cho rằng sao ở Việt Nam không có bị gì mà qua đây lại có. Vấn đề là Việt Nam không có thống kê và không có dịch vụ chữa trị về vấn đề tâm bệnh. Nói cách khác, vấn đề tâm bệnh ở Việt Nam không được chú trọng để chữa trị như bên Âu Châu hay ở Mỹ. Ở đây, mình nhìn vấn đề đó nhân bản hơn và phổ cập hơn.”

Dù vậy, cô vẫn thừa nhận rằng, “Thành kiến về tâm bệnh vẫn còn rất nặng trong cộng đồng chúng ta, có thể phần lớn vì thông tin chưa đủ.”

Tâm bệnh khác với cảm xúc ‘bất thường’

Như đã nói, “tâm bệnh có nhiều loại, xuất phát từ những xáo trộn về cảm xúc, hoặc hành vi hoặc suy nghĩ.” Thế nhưng chỉ khi nào những xáo trộn đó thật sự ảnh hưởng đến chức năng đời sống thì mới xem là “bệnh.”

Tiến sĩ Đông Xuyến giải thích, “Ai trong chúng ta cũng có những buồn vui hỉ nộ ái ố trong đời sống, và cảm xúc đó lúc lên lúc xuống một cách bất thường thì cũng là bình thường. Tuy nhiên khi những sự bất thường đó kéo dài làm ảnh hưởng đến chức năng đời sống, như khả năng đi làm, khả năng đi học, khả năng liên hệ tới những người trong gia đình, khả năng đi ra ngoài cuộc sống, khả năng để sống còn… thì mới kết luận đó là tâm bệnh.”

Theo cô, một loại tâm bệnh thường thấy trong đời sống là trầm cảm, có 16 triệu người ở Hoa Kỳ bị trầm cảm. Thế nhưng triệu chứng như thế nào để cho biết đó là người bị trầm cảm?

“Nếu người đó trong hai tuần liên tiếp ‘rửa mặt trong nước mắt’; không muốn ăn uống vì không còn cảm giác ngon khi ăn, hoặc ngược lại ăn thật nhiều để chôn vùi sự xuống tinh thần; không có sức ra khỏi giường buổi sáng để đi làm, đi học, lại thấy cô độc, cô đơn không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài; những ham muốn, những điều thích làm trước đây, giờ không còn nữa; cảm thấy có sự vô vọng hay trống trải, thấy vô nghĩa trong đời sống, thấy mối quan hệ của bản thân với những người xung quanh không còn gần gũi, không cảm thấy sự an toàn, không còn cảm thấy niềm vui nữa. Hay bản thân bỏ bê sự chăm sóc cho mình, cho người khác, bỏ bê công ăn việc làm, bỏ bê những điều mà trước đây với mình là quan trọng… Khi không biết đó là triệu chứng của trầm cảm, người ta có thể kết luận rằng người đó lười biếng hay bắt đầu giở chứng,” cô phân tích.

Cũng theo Tiến sĩ Tâm lý Trị liệu này, do thiếu thông tin cần thiết mà “ngay cả có những em trẻ bị trầm cảm nhưng gia đình lại nghĩ là nó hư, hoặc là nó thế này thế kia.”

Thế nên, cô cho rằng, “Trước những thay đổi, xáo trộn về cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của ai đó, thì chúng ta cần đi tìm hiểu chuyên môn trước khi đưa ra những kết luận mang tính phán xét.”

Bên cạnh đó cô cũng nhấn mạnh, “Tâm bệnh là vấn đề sinh hóa, vấn đề tâm não, chứ không phải là vấn đề về cá tính con người. Thế nên khi nói người có tâm bệnh không phải là lúc nào người đó cũng điên hay lúc nào cũng có bệnh, hay là người bệnh. Ví dụ như người có bệnh ung thư không có nghĩa là người ung thư, người có bệnh tiểu đường không có nghĩa là người tiểu đường. Phần bệnh chỉ là một phần trong trải nghiệm làm con người của họ thôi. Còn những khía cạnh khác họ vẫn là người với những hỉ nộ ái ố, có những đau đớn riêng, buồn vui riêng, có những tài năng đóng góp riêng cho đời sống xã hội. Người có tâm bệnh không có nghĩa là hết.”

Hội Yểm Trợ Sức Khỏe Tâm Thần Người Việt tại Quận Cam (OCAVMHAS)

OCAVMHAS là một tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi được thành lập năm 2007 theo đạo luật Sở Y Tế Tâm Thần.

Hội được sáng lập bởi ông George Nguyễn và Chơn Cao. Đây là những người cha đã miệt mài chăm sóc cho những người con có tâm bệnh của mình.

Sứ mệnh chính của hội là nuôi dưỡng tình yêu và hỗ trợ cho người Việt có tâm bệnh bằng cách cung cấp các dịch vụ giáo dục và các sinh hoạt cho bạn bè và gia đình của bệnh nhân.

Nhiệm vụ của hội là cung cấp một phương tiện thông giao giữa cộng đồng người Việt tại Quận Cam và các cơ quan chăm sóc sức khỏe qua đạo luật Dịch Vụ Sức Khỏe Tâm Thần. Hội cung cấp kế hoạch để đáp ứng nhu cầu, trao đổi kiến thức, cũng như hỗ trợ, và hướng dẫn cho các thành viên gia đình và bạn bè về cách chăm sóc người thân có tâm bệnh.

Mục tiêu các hoạt động của hội là góp phần loại bỏ sự kỳ thị và lên tiếng cho những người mang tâm bệnh chưa có tiếng nói; nâng cao sự đồng cảm và tình thương yêu trong cộng đồng; tập trung vào việc cải thiện lòng tự trọng của người có tâm bệnh và gia đình; giáo dục hướng dẫn để phòng ngừa và can thiệp sớm; phối hợp với các cơ quan và tổ chức khác trong quận để đáp ứng nhu cầu sức khỏe tâm thần cho người Việt.

OCAVMHAS kêu gọi đồng hương tham gia chương trình đi bộ mang tên “Hãy đồng hành cùng chúng tôi” diễn ra từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, Thứ Bảy, 10 Tháng Chín, tại công viên Mile Square Park, thuộc thành phố Fountain Valley.

Ban tổ chức cung cấp thức ăn và nước uống miễn phí cho đồng hương ghi danh tham gia.

Liên lạc ghi danh tại số: (949) 436-9355.

http://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tam-benh-khong-la-dieu-phai-xau-ho/


Bài liên quan:

- Những người nổi tiếng có tâm bệnh