Nguyễn Viết Kim chuyển ngữ, 27/09/2017

Bài chuyển ngữ về cuộc phỏng vấn vào năm 1979. Đây là cuộc phỏng vấn duy nhất được biết đến trên một tờ báo có kích thước quốc tế; cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền từ năm 1967 đến 1975 trong Đệ Nhị Cộng Hoà, hai ký giả Von Johannes K. Engel , Heinz P. Lohfeldt là cộng sự viên cao cấp của tuần báo Der Spiegel với trụ sở chính tại thành phố Hamburg, Đức Quốc.

Tờ báo cho biết ông Thiệu đã xem xét lại cẩn thận từng trang và đặt điều kiện chỉ được phép công bố sau khi có sự thoả thuận của hai bên. Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Luân Đôn, Anh Quốc.

Nguyên tác đăng trong số 50 năm 1979 với tựa đề - Ông Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: Người Mỹ đã phản bội chúng tôi -

Der Spiegel là một tuần báo lớn nhất Âu Châu với số phát hành gần 1 triệu số mỗi tuần, Đức Ngữ là ngôn ngữ được dùng nhiều nhất tại Âu Châu, Anh Ngữ thông dụng, Pháp Ngữ và Tây Ban Nha Ngữ được ưa chuộng

„Die Amerikaner haben uns verraten“, Nguyen van Thieu - DER SPIEGEL 50/1979

Der Spiegel: Thưa ông, trong cuốn hồi ký ông Henry Kissinger cho biết là trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1973, Hoa Kỳ cố gắng hòa đàm để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, một cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm, với hàng triệu nạn nhân, làm nát vụn quả tim Hoa Kỳ, lúc đó ông Kissinger là trưởng đoàn hòa đàm và ông là tổng thống, lý do nào khiến ông tạo trở ngại cho việc hòa đàm.

Ông Thiệu: Hoàn toàn vô lý với cáo buộc đó, nếu tôi gây trở ngại thì đã không có thoả ước hòa bình năm 1973, dù mọi người đều biết, đó không phải là một hòa bình tốt đẹp qua những hậu quả rõ ràng. Ông Kissinger đại điện Hoa Kỳ,  với tư cách tổng thống Việt Nam Cộng Hoà tôi có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi thiết yếu của nước tôi.

Tôi nhiều lần nhấn mạnh với tổng thống Nixon và tiến sĩ Kissinger: đối với một cường quốc như Hoa Kỳ  thì việc rút bỏ một số vị trí trong một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam không có gì là thiết yếu, song với chúng tôi đó là việc sinh tử cho đất nước.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho biết sau cùng thì ông đồng ý với thoả thuận hòa bình, song ông ta cũng nói thêm là vì sự cản trở của ông nên cuộc hòa đàm kéo dài rất lâu và ông chấp thuận đề nghị của Hoa Kỳ với ý nghĩ thầm kín là chắc Hà Nội sẽ từ chối.

Ông Thiệu: Không đúng, với một cuộc chiến kéo dài gần 30 năm, cuộc thương thảo để kết thúc cần nhiều hơn vài ba ngày hay vài ba tháng. Tôi hiểu là đối với Hoa Kỳ, đến để trợ giúp chúng tôi, đây là thời gian tham chiến lâu nhất trong lịch sử của quốc gia, vì thế Mỹ muốn kết thúc mau lẹ , song chúng tôi cần một nền hòa bình lâu dài, bền vững.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho rằng ông không muốn hòa bình và thầm mong là phía Bắc Việt cũng thế, vì vậy ông chỉ đồng ý ngoài mặt với các đề nghị của Hoa Kỳ và tin chắc là không bao giờ sẽ đưa đến một thoả ước, phải chẳng ông tráo trở không thật lòng với hy vọng không bao giờ phải đưa ra ý kiến thật của mình.

Ông Thiệu: Không thể nói là một dân tộc phải chịu đựng đau khổ trên 30 năm lại muốn kéo dài chiến tranh, ông Kissinger muốn có thoả hiệp thật nhanh để rút quân và tù binh Mỹ được trao trả, có thể đó là chính sách rút chạy cấp tốc của Mỹ.

Người Mỹ đến rồi đi, chúng tôi ở trên xứ sở của mình, chúng tôi có quyền đòi hỏi một nền hòa bình lâu dài, không phải chỉ vài năm rồi lại tiếp nối với 30 năm chiến tranh.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho biết là trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng sáu năm 1969 tại đảo Midway trên Thái Bình Dương, ông đề nghị sự rút quân của Hoa Kỳ

Ông Thiệu: Trước cuộc họp thượng đỉnh, tin tức báo chí cho biết chính phủ Mỹ sẽ rút một phần quân số tại Việt Nam, tôi nghĩ là chính phủ Mỹ muốn thăm dò dư luận, tiết lộ cho báo chí đăng tin trước đó để đặt chúng tôi trước một sự đã rồi.

Der Spiegel: Như thế ông đã hình dung ra các diễn tiến

Ông Thiệu: Đúng như vậy, hội nghị thượng đỉnh Midway có hai mục tiêu:

- gặp gỡ giữa 2 tân tổng thống và thảo luận về tình hình Việt Nam

- đi sâu về một điểm còn đang tranh luận là sự rút quân của Mỹ

Tôi nằm vững tình hình, không có cái nhìn sai lệch hay hốt hoảng.

Der Spiegel: Khi đề nghị việc rút quân, ông có thực sự nghĩ là có thể đơn độc chiến đấu tới chiến thắng cuối cùng ; đây là một cuộc chiến tranh có sự tham dự của hơn 540,000 quân Mỹ với bộ máy chiến tranh khổng lồ mà còn không tạo được chiến thắng

Ông Thiệu: Tôi không hề đưa đề nghị rút quân, chỉ chấp thuận mà thôi, tổng thống Nixon giải thích cho tôi hiểu là đây chỉ là một việc tượng trưng, ông ta cần có sự ủng hộ của Quốc Hội, của dân chúng vì các khó khăn tại quốc nội. Tôi khuyến cáo là đừng để Hà Nội coi đây là biểu lộ một nhược điểm của Hoa Kỳ

Der Spiegel: Ông không nghĩ là đây là sự bắt đầu của một sự rút quân toàn diện của Hoa Kỳ

Ông Thiệu: Tôi hình dung ra đây là sự bắt đầu giảm thiểu quân số tham chiến của Mỹ, song không bao giờ nghĩ là Hoa Kỳ sẽ rút hết quân ra và bỏ rơi Việt Nam. Tôi bày tỏ với tổng thống Nixon là song song với việc giảm thiểu quân số Hoa Kỳ, quân đội Việt Nam Cộng Hoà sẽ được tăng cường và với sự giúp đỡ kinh tế,  chúng tôi sẽ dần dần tự lập được. Và tôi nghĩ là ông ta muốn có sự tương ứng của Hà Nội đáp lại việc rút quân. Hoa Kỳ đồng ý với tôi về việc rút quân từ từ và song phương (Hoa Kỳ và Hà Nội)

Der Spiegel: và có tính cách tượng trưng

Ông Thiệu: Tôi hiểu là chiến tranh Việt Nam tạo một khủng hoảng quốc nội tại Mỹ. Tổng thống Nixon giải thích thêm là ông cần nhiều hành động có tính cách biểu tượng để đối phó với việc nội trị. Vài tuần trước đó tại Hán Thành và Đài Bắc, khi thảo luận với tổng thống Phác Chánh Hy và tổng thống Tưởng Giới Thạch, tôi bày tỏ với nhị vị này hy vọng của tôi là sau khi thảo luận với tổng thống Nixon tại đảo Midway, ông sẽ chỉ rút quân tượng trưng mà thôi. Song tôi cũng ý thức rằng khi muốn thì Hoa Kỳ sẽ rút toàn bộ quân số tham chiến tại Việt Nam. Vì thế sẽ hợp lý khi giúp đỡ tăng cường quân lực Việt Nam Cộng Hoà tương ứng với việc rút quân Mỹ. Tôi không bao giờ có ý nghĩ là quân đội Hoa Kỳ sẽ ở Việt Nam mãi mãi.

Der Spiegel: Cần lưu ý là Mỹ có đóng quân ở Nam Hàn và Tây Đức

Ông Thiệu: Chúng tôi là một dân tộc kiêu hãnh, chỉ cần sự giúp đỡ và võ khí, chúng tôi không thiếu nhân lực

Der Spiegel: Nhìn lại thì ông phân tích ra sao về tình hình lúc đó, bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird phát biểu một danh từ mới: Việt Nam Hoá chiến tranh. Cho tới lúc đó Hoa Kỳ nói đến: giảm thiểu sự Mỹ Hóa chiến tranh, sự thay đổi thuật ngữ phải chăng ám chỉ rõ ràng là Hoa Kỳ muốn rút lui thật nhanh

Ông Thiệu: Khi ông Nixon thăm Saigon vào tháng 7 năm 1969, ông ta nhắc lại với tôi là ông rất cần sự ủng hộ của công chúng Mỹ tại quốc nội. Tôi thông cảm, ông ta không hề nói đến sự rút quân theo kế hoạch đã có sẵn của Mỹ. Ông ta nhấn mạnh đến những khó khăn tại Mỹ và sự giúp đỡ của tôi rất cần thiết, chúng tôi đồng ý cộng tác để giúp lẫn nhau và chỉ nói đến sự rút quân từ từ.

Der Spiegel: Chứ không phải theo một kế hoạch Mỹ đã định sẵn hay sao

Ông Thiệu: Không, ông Nixon lại hứa là sự rút quân kèm theo những biện pháp để Bắc Việt Nam phải có hành động tương ứng và đi đôi với quân viện sẽ kèm theo viện trợ kinh tế để giúp chúng tôi đứng vững.

Der Spiegel: Ông có nghi ngờ là khi cần thiết Hoa Kỳ sẽ rút quân đơn phương

Ông Thiệu: Tôi cũng có sự hoài nghi, song lúc đó vẫn tin tưởng vào đồng mình Mỹ lớn mạnh

Der Spiegel: Ông có lý vì trong cuốn hồi ký, ông Kissinger viết là không thể chấm dứt chiến tranh Việt Nam dễ dàng như thay đổi đài trên truyền hình, vì đây là một việc có liên quan đến hai chính phủ, 5 quốc gia đồng minh, và đã có khoảng 31,000 người Mỹ bị thương vong.

Der Spiegel: Hoa Kỳ muốn có sự thoả thuận và chỉ đơn phương rút quân khi cần thiết, ông có đặt điều kiện nào trong cuộc thương thảo giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn

Ông Thiệu: Chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh và quyết tâm chấm dứt qua sự thương thảo. Chúng tôi chỉ có một đòi hỏi là những người xâm lăng rút về lãnh thổ của họ

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký là ông đã biết chắc là quân đội Bắc Việt sẽ ở lại miền Nam song ông không hề phản đối cho tới tháng 10 năm 1972

Ông Thiệu: Đây là một sự dối trá trắng trợn của ông Kissinger, nếu tôi đồng ý về việc quân đội miền Bắc ở lại miền Nam thì đã không quyết liệt phản đối khi trong văn bản dự thảo không có điều buộc quân đội miền Bắc rút quân về Bắc. Đây là điều thiết yếu nhất mà tôi kiên định tranh đấu cho tới phút chót, tôi cho ông Kissinger biết là sẽ không có hiệp định nếu không có điều khoản miền Bắc rút quân về Bắc.

Sau nhiều ngày thảo luận cay đắng, ông Kissinger thú thật là điều này đã được đưa ra 3 năm trước đây song Nga Sô không chấp nhận. Bây giờ tôi nhận ra là Mỹ đã chịu thua Nga và thấy thất vọng vô cùng.

Der Spiegel: Người Nga có thể phản ứng khác, tuy nhiên Bắc Việt không quan niệm Nam Việt là ngoại quốc và trong suốt một thời gian dài chối cãi là có sự hiện diện của quân đội Bắc Việt tại miền Nam

Ông Thiệu: Với trên 20 năm kinh nghiệm chiến trận, chúng tôi học được một điều là không bao giờ tin những tuyên bố của Nga Sô và Bắc Việt. Ngay cả một người mù cũng nhận thấy là có quân đội Bác Việt tại Ai Lao, Cao Miên và Nam Việt. Chúng ta phải nhìn vào dữ kiện thay vì tin vào những gì địch quân nói.

Der Spiegel: Ông có tranh luận với ông Kissinger về điều này

Ông Thiệu: Dĩ nhiên là có, và ngay cả với tướng Haig. Tôi đặt câu hỏi với ông ta: ông và tôi đều là tướng lãnh, xin cho tôi biết bất cứ một hiệp định hòa bình nào đạt được khi quân xâm lăng không phải rút ra khỏi nơi họ xâm chiếm. Tôi cũng hỏi thêm: Giả dụ khi Nga Sô được phép có quân trên lãnh thổ Hoa Kỳ, chắc ông không thể nói là có hiệp định hòa bình với Nga Sô

Der Spiegel: Ông Kissinger trả lời ông ra sao

Ông Thiệu: Ông ta không có câu trả lời, làm sao trả lời được khi không có một luận cứ vững chắc nào cả

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký: không thể bắt buộc Bắc Việt rút quân về Bắc vì không ai đưa ra hội nghị bàn thảo để bỏ bớt đi những gì đã đạt được trên chiến trường. Ông ta viết thêm: có một điều khoản trong hiệp định Ba Lê không cho xâm nhập, rồi đi đến kết luận là: lực lượng quân đội Bắc Việt sẽ bớt đi dần dần rồi không còn nữa với thời gian vì không còn được xâm nhập

Ông Thiệu: Dưới cái nhìn của tôi, chính phủ Hoa Kỳ và đặc biệt tiến sĩ Kissinger không thông hiểu cách thức thương thảo với Cộng Sản, dù trải qua những kinh nghiệm đau thương lúc hòa đàm với cộng sản năm 1954 và trong chiến tranh Triều Tiên. Khi hội đàm về Ai Lao và Cao Miên , họ cũng không học hỏi và không biết cách thương thảo với cộng sản cũng không có khái niệm về chiến thuật và chiến lược của cộng sản.

Chúng ta đi vào khó khăn vì một nhân vật như tiến sĩ Kissinger, đại diện một cường quốc và có tiếng là một nhà thương thuyết thuợng thặng, lại tin tưởng là quân đội Bắc Việt sẽ ngừng xâm nhập miền Nam. Nguyên do nào khiến ông ta có ý niệm như vậy ?

Làm sao có thể canh chừng kiểm soát biên giới của miền Nam với Ai Lao và Cao Miên ? Ngay cả khi với giả thuyết có 1 triệu kiểm soát viên quốc tế, cũng không thể quả quyết là không sự xâm nhập.  Không hiểu sao ông ta có thể tin vào các điều Bắc Việt tuyên bố.

Ông ta có thể tin Cộng Sản song chúng tôi không tài nào tin họ được.  Do đó tôi cứng rắn đòi hỏi sự rút quân của miền Bắc, khi họ muốn hòa bình, tại sao lại muốn quân đội của họ lưu lại miền Nam?

Nguyễn Viết Kim chuyển ngữ (theo học, tốt nghiệp, làm việc tại đại học Stuttgart (Universitaet Stuttgart), Đức Quốc, 1966-1978).

Nguồn: https://vietbao.com/p112a272608/tt-thieu-tuyen-bo-nguoi-my-da-phan-boi-chung-toi