- Lâm Văn Bé -

Năm 1952, tôi lên Mỹtho học và ở trọ nhà thầy Nguyễn An Ninh, giáo sư âm nhạc trường Trung học Le Myre de Vilers (năm sau đổi tên là Nguyễn Đình Chiểu). Mỗi sáng, một cách đều đặn, khoảng 7 giờ rưởi, anh Liêm ghé qua nhà trọ của tôi ở đường Ariès, để cùng với người bạn cùng lớp với anh là anh Nguyễn Kỉnh Đốc đi cùng với anh đến trường. Anh Đốc là người ở trọ lớn tuổi nhất và đang học lớp Première, lớp học cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu thời ấy. Tính anh nghiêm nghị, tỏ vẻ đàn anh, rất siêng học, về đến nhà là cầm sách, ít khi nói chuyện với chúng tôi, đa số còn học bậc đệ nhất cấp. Anh có một bàn học riêng gần cửa sổ còn bọn chúng tôi thì phải học bài, làm bài, chung với nhau ở một cái bàn tròn ngoài nhà bếp. Khi anh Liêm đến, có khi anh Đốc đã sửa soạn xong thì cả hai đi ngay, có khi anh Liêm nán lại cùng ôn bài, hay làm bài chung. Tôi nhớ hai anh trả récitation những tác phẩm của Molière, Corneille và làm bài tập Vật Lý trong quyển Physique của Georges Ève. Anh Đốc đã ít nói mà anh Liêm còn ít nói hơn, họ rì rào với nhau, có khi anh Đốc cãi lớn tiếng về một vấn đề nhưng tôi thấy anh Liêm vẫn nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng anh lấy gói thuốc Bastos rút một điếu thuốc gỏ gỏ trên bao giấy rồi châm thuốc thả khói lên trần nhà. Anh hút thuốc nhiều, môi thâm đen, và sau nầy tôi được biết trong lớp Première của anh còn có một anh Liêm nữa. Anh Lê Thanh Liêm được bạn bè gọi là «Liêm dế» vì nhỏ con, còn anh Nguyễn Thanh Liêm là «Liêm ghiền» và cả hai anh sau này vẫn là đôi bạn thân thiết trong nghề giáo.

Khi đến trường, chúng tôi thường đi sau hai anh. Anh đi khoan thai, nhưng luôn ngó thẳng phía trước. Cử chỉ nghiêm nghị của anh khiến tôi rụt rè trước anh, nhưng lại tò mò muốn biết anh sinh sống ra sao. Buổi chiều, tôi thường đạp xe đi loanh quanh sau khi ăn cơm, và nhiều khi chạy qua nhà anh ở khu «Battambang» có con đường đá sỏi lồi lõm, đôi khi thấy anh ngồi tại bàn học qua cái màn cửa sổ.

Trong niên học ấy, thỉnh thoảng khi gặp nhau anh nói vài lời bâng quơ hay mĩm cười cho đến hè năm 1953, khi anh rời trường thì tôi cũng rời chỗ trọ đến «ăn cơm tháng» nơi nhà bà Năm

Thưởng, thân mẫu của Đệ nhất phu nhân sau nầy, cho đến khi tôi ra trường và khi trở lại trường Nguyễn Đình Chiểu dạy học. Tôi không có cơ may nhìn thầy Năm Thưởng (Phạm Đình Thưởng) vốn hành nghề đông y sĩ, lúc thầy vĩnh viễn ra đi vì lúc ấy tôi đã lên Saigon học đại học nhưng đã cùng với thân quyến tiển đưa Bác gái đến nơi yên nghĩ cuối cùng. Từ một cậu học sinh trọ học, tôi được hai Bác thương yêu như thân thuộc và tôi còn giữ được bao kỷ niệm thuở ấu thơ và trung niên nơi căn nhà số 1 đường Lý Thường Kiệt, Mỹ Tho.

Năm 1966, tôi gặp lại anh Liêm tại văn phòng của anh ở Nha Trung học khi anh làm Chánh Thanh tra đề thi. Năm ấy, chiến cuộc đang đến hồi ác liệt, và biến động Phật giáo ở miền Trung khiến nhiều thành phố phải đặt trong tình trạng thiết quân lực. Nha Trung học đang tổ chức kỳ thi Trung học toàn quốc nhưng việc điều động hội đồng giám khảo, đưa giáo sư từ nơi nầy đến nơi khác không thực hiện được vì đường giao thông bị gián đoạn nên trung tâm Huế phải sử dụng nhân sự tại địa phương. Vấn đề là làm sao đưa đề thi từ Saigon ra Huế, bởi lẽ thông thường người chánh chủ khảo đảm nhiệm luôn cả việc mang đề thi từ Saigon đến nơi mình phụ trách hội đồng thi. Vừa được đề cử làm Giám Học ngôi trường mà tôi đã học, tôi nhận được sự vụ lệnh phải mang đề thi ra Huế.

Tôi đến gặp anh Liêm để nhận đề thi. Đã gần 15 năm qua không gặp nhau, tuy tôi có nghe biết anh đã làm giáo sư và hiệu trưởng trường Pétrus Ký, có sinh hoạt trong nhóm Liên Trường và tôi nghĩ là anh cũng biết tin tức của cậu học trò năm xưa nay là giám học ngôi trường mà chính anh đã tùng học, nhưng buổi gặp gỡ khiến tôi vô cùng bối rối và hoang mang. Bối rối vì tôi không biết phải sử xự thế nào cho đúng cách, gọi là anh như người bạn đồng môn vong niên hay gọi là ông chánh thanh tra theo chức vụ. Tôi cũng không tránh khỏi hoang mang vì tại sao tôi là người bị chỉ định làm công việc trong trạng huống nguy hiểm nầy (phải đi chung với binh lính Mỹ trên phi cơ cargo và phải thay đổi phi cơ sau một escale), đó là tín hiệu của sự tin cẩn hay lý do nào khác. Nhưng sự thân ái tự nhiên của anh, những hình ảnh và kỷ niệm anh nhắc lại thuở đi học trong thành khiến đã khiến tôi nhanh chóng tìm thấy trong giọng nói và ánh mắt của người đối diện là một người anh chớ không là một thượng cấp.

Năm 1968, trong một lần về thăm nhà ở Mỹ Tho, nhân một câu chuyện, tôi được bà Tổng Thống bảo là «chú Liêm về làm việc trong phủ với anh Bảy». Tôi thầm tiếc là phải chi tôi không e ngại, tôi đã là đồng nghiệp hay cộng sự viên của anh. Cách đó không lâu, sau khi lấy vợ, tôi được chị đồng ý giúp chúng tôi về Saigon để tôi làm việc trong Phủ Tổng Thống như một Chuyên viên giáo dục, nhưng sau cùng tôi đành phải đổi ý vì về Saigon tôi không có nhà và lương bỗng không đủ sống trong khi ở Mỹ Tho, tôi có nhà chức vụ và có thể dạy thêm trường tư thục.

Tôi mất liên lạc với anh sau đó tuy tôi vẫn có tin tức về anh cho đến năm 1971 khi anh được cử làm Phụ Tá Đặc Trách Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo Dục cho ông Tổng Trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh. Tôi nghĩ đó là một chức vụ «vừa vặn» với chuyên môn và tánh khí của anh, bởi lẽ một đàng, anh là một trong số ít người có kiến thức và kinh nghiệm dồi dào về giáo dục bậc Trung Tiểu học thời ấy, và đàng khác anh không phải là nhà chánh trị chuyên nghiệp. Tuy anh khéo léo trong cung cách xử sự, nhưng anh không có cái khôn khéo đòn phép của một người làm chính trị, vã lại các chức vụ tổng trưởng thường là sự dàn xếp giữa các đảng phái, nên viễn tượng chức vụ nầy với một nhà giáo chuyên nghiệp chắc còn xa. Bởi lẽ anh không phải là nhà chánh trị làm giáo dục mà là nhà giáo làm giáo dục, anh đã thực sự đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa một số công trình đáng kể từ 1971 đến 1975. Ngoài ra cũng phải nói thêm, nếu ông

Ngô Khắc Tĩnh là ông tổng trưởng giáo dục tại chức lâu năm nhất nhờ ông có ưu thế chính trị, thì anh ở chức vụ phụ tá tổng trưởng cũng vững vàng bền lâu bởi anh được lòng của thượng cấp và các cộng sự viên. Đó là những yếu tố may mắn cho nền giáo dục trong một thời điểm cực kỳ khó khăn vì những biến dộng chính trị và quân sự.

Anh không phải là một kế hoạch gia khoa bảng du nhập cái nhìn viển vông của xứ người mà trái lại bằng kinh nghiệm và kiến thức, anh đã phối hợp và thực hiện các dự án phát triển giáo dục bằng cái hiểu người và hiểu việc của anh.

Chính trong thời gian bốn năm nầy mà tôi biết được anh nhiều hơn trong mối tương quan giữa người chịu trách nhiệm giáo dục tỉnh Định Tường với người thượng cấp điểu khiển ngành Trung Tiểu học toàn quốc. Tuy nhiên từ đấy cho đến 40 năm nay, tôi chưa hề nhận thấy ở anh cung cách của một thượng cấp mà anh luôn hành xử một cách tự nhiên như một người anh, một người bạn đồng môn.

Trong công vụ cũng như tư vụ, anh luôn ôn tồn trong lời nói, khoan thai trong cử chỉ, chừng mực trong thái độ. Tôi không thấy anh nặng lời với ai, dù cho trước người và việc bất xứng. Có lẽ nhờ bản chất từ tốn và rộng lượng của anh mà trong thời gian tại chức, anh đã hóa giải được nhiều khó khăn giữa ngành giáo dục và hành chánh ở nhiều địa phương, tạo thế quân bình cho ngành giáo dục cũng như sửa sai được nhiều nhà giáo «sa đà». Nhiều vị tỉnh trưởng quân sự bất đồng, bất bình với anh nhưng sau đó trở thành bạn anh. Giáo chức nể trọng anh bởi anh không là mẫu người lãnh đạo trên đội dưới đạp.

Anh cũng không phải là thượng cấp lợi dụng chức quyền. Tôi nhớ khoảng hè năm 1972, trước khi rời chức vụ Hiệu Trưởng trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu để đảm nhận Sở Học Chánh và Tổng Thơ Ký Viện Đại học Tiền Giang, tôi có tiếp bà mẹ của anh tại văn phòng nhà trường.

Bà từ Saigon (đang cư ngụ tại nhà anh) xuống Mỹtho để xin cho một đứa cháu ở Bình Đại chuyển về trường Nguyễn Đình Chiểu vì trường học ở nhà quê nằm trong vùng xôi đậu, thiếu an ninh. Tôi nghĩ là anh biết việc nầy khi bà xuống Mỹ Tho, nhưng anh không hề nhắc nhở gì vụ nầy với tôi trước hay sau đó tuy rằng việc xin chuyển trường như vậy là hoàn toàn hợp lệ. Bà thật là nhân hậu, thỉnh thoảng có dịp, bà vẫn gởi lời thăm hỏi tôi và tôi nghĩ rằng anh đã may mắn hấp thụ cái gia phong nhân hậu ấy.

Rồi một ngày đầu của tháng 5 năm 1975, tôi gặp anh trong trại tiếp cư ở đảo Guam. Trong cái tất bật của những kẻ không biết số phần ngày mai, chúng tôi trao đổi những cần thiết. Anh nói : Moi đang xin đi Pháp, còn tôi đang xin đi Canada . Đó là những ước muốn vì nhiều lý do của những người lẽ ra phải đi Mỹ mà không muốn đi Mỹ.

Bẵng đi một thời gian, khoảng giữa thập niên 80, tôi được anh Trần Quang Minh, người bạn thân làm việc chung lâu năm ở MỹTho cho biết là «anh Liêm đang ở Mỹ, chớ không phải đi Pháp như toi nói».

Tuy biết như vậy, nhưng cuộc sống vật vã ở xứ người, vừa phải xây dựng lại cùng lúc với bốn đứa con, tôi không có đủ thời giờ để nhớ đến chuyện cũ, người quen thân cũ.

Cho đến mùa xuân năm 1996, khi cả hai chúng tôi có ý định thành lập hội Ái Hữu Cựu học sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Minh ở California, tôi ở Montréal, thì anh Liêm lại «trở về», bởi anh Liêm là người «cố cựu» của trường Collège Le Myre de Vilers, tiền thân của trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu.

Qua thơ từ, anh vẫn không thay đổi văn phong, và qua điện đàm, anh vẫn không thay đổi giọng nói. Vẫn thân ái, vui tươi nhưng không dồn dập. Chuyện nhờ anh viết bài cho đặc san, anh hưởng ứng nồng nhiệt, nhưng để «moi coi viết cái gì». Tôi không gặp anh, nhưng tôi mường tường anh vẫn gục gặc cái đầu khi anh vui hay khi anh suy nghĩ, cũng như khi anh mĩm cười không biết là anh cười thiệt hay giả cười.

Đặc san Trường Trung học Mỹtho (tức trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu) số ra mắt đầu tiên năm 1997 có bài viết của anh làm nền. Anh viết bài «Thầy tôi» thật tha thiết và cảm động. Anh nhắc đến các bậc thầy của anh trong tinh thần tôn sư trọng đạo.

Tôi không ngạc nhiên, sau nầy cứ mỗi năm, tại Cali, anh tổ chức buổi lễ «Tôn sư trọng đạo» để nhắc nhở cái truyền thống cao đẹp nầy, nhưng tôi nghĩ rằng, sau cái thế hệ của các ông thầy với khăn đóng áo dài, chuyện nhớ ơn thầy sẽ đi vào huyền thoại với thế hệ con cháu chúng ta đã quá hội nhập đến quên cả gốc nguồn. Thì ra qua cái lớp bên ngoài có vẻ lạnh lùng nghiêm khắc, trái tim anh là cả một trời yêu thương đạo lý. Cũng trong bài viết nầy, anh nhắc đến thuở thiếu thời của anh ở nhà quê và điều nầy khiến tôi gợi nhớ lại một ý nghĩ năm nào.

Khoảng năm 1973, tôi rời khỏi văn phòng của anh vào cuối ngày. Thuở ấy, với chức vụ của anh, anh gần như thay mặt ông Tổng Trưởng giải quyết tất cả mọi việc giáo dục cấp trung tiểu học trên toàn quốc. Trường học quá nhiều chuyện rối ren vì chính trị và chiến sự, mỗi ngày không biết bao nhiêu cấp chỉ huy giáo dục ở các địa phương về Saigon chờ gặp «ông phụ tá» để báo cáo và nhờ gỉải quyết. Nếu bên Phủ Tổng Thống có ông phụ tá Ngân với túi bạc để giải quyết chuyện chính trị thì bên bộ Giáo Dục, ông phụ tá Liêm phải có 12 giờ ở văn phòng để giải quyết chuyện giáo dục từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ chuyện ông xã trưởng áp bức ông hiệu trưởng đến chuyện ông Trung Tướng muốn cho đứa con lêu lỏng phải đậu Tú Tài để đi du học.

Hôm ấy, khi tôi vừa rời văn phòng của anh thì chị Liêm cũng vừa đến để đón anh. Thấy đã quá Trễ, anh chị cho tôi quá giang để đi ra bến xe về Mỹ Tho . Qua những câu đối thoại trao đổi giữa anh và chị trên xe, tôi mới chợt thấy, tuy là công chức cao cấp ở trung ương, anh vẫn còn phảng phất phong cách và ngôn ngữ của người «miệt vườn». Tôi tự hỏi, làm sao hai mẫu người của đồng quê và của đô hội như vậy có thể gặp nhau nếu không phải là một tình yêu tuyệt vời kết hợp. Tôi đã có câu trả lời sau nầy khi tôi biết anh chị đã xa nhau. Tôi xin lỗi anh khi gợi lại điều nầy tuy tôi biết có phần xúc phạm, nhưng tôi gợi lại để nói với anh rằng cho dù hơn nửa thế kỷ đã qua, khi gặp lại anh ở phi trường Montréal, cái hình ảnh cậu học sinh nhà quê ở Bình Đại, với đôi giày sandale và cái cartable da lủng lẳng trên tay vẫn còn hiện nguyên hình và mãi mãi anh vẫn là người của đồng ruộng miền Nam.

Với tâm hồn và trái tim của một người dân miền Nam như vậy, hiểu theo nghĩa địa lý, anh đã chuyên chú về việc nghiên cứu văn hóa và lịch sử vùng đất của anh khi anh về hưu. Là người thông thạo bốn ngôn ngữ Hán, Việt, Anh, Pháp, anh đọc nhiều và với kiến thức sâu rộng, những bài viết của anh về giáo dục, văn hóa, lịch sử, địa lý là những nghiên cứu quý giá cần thiết cho các nhà biên khảo cũng như các thức giả muốn tìm hiểu về Nam Kỳ học. Anh lập ra tập san Tiền Giang-Hậu Giang qui tụ những tác giả, không phân biệt sinh quán, viết về Nam kỳ lục tỉnh, đã tạo một hào hứng cho những người ưu tư với nền văn hóa và lịch sử của vùng đất mới ở phương Nam. Đó là cái công rất lớn của anh phải nói ra, bởi lẽ những ai khi vừa đề cập đến danh từ Nam Kỳ thì đã bị dán ngay cho cái nhãn hiệu. Và phải chăng chính vì không muốn có nhãn hiệu, và để dễ dàng qui tụ người viết, tránh cho họ sự bực dọc khi bị hiểu lầm là những người có óc phân chia kỳ thị, mấy năm sau anh lại đổi tên tập san Tiền Giang - Hậu Giang thành Đồng Nai - Cửu Long khi tập san trở nên thực sự là một chuyên san biên khảo về Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Trong bài viết cho số ra mắt tờ Đồng Nai Cửu Long, anh đã viết: Đối tượng nghiên cứu là văn hóa xã hội vùng Đồng Nai Cửu Long, tức là những sinh hoạt của con người ở vùng đất này trong vòng mấy thế kỷ nay, trong những lãnh vực quan trọng như xã hội (bao gồm kinh tế), tín ngưởng, ngôn ngữ, nghệ thuật, v v. . .

Chúng tôi chủ trương rằng sự tìm hiểu văn hóa của mỗi địa phương (văn hóa khu vực) là một việc làm quan trọng vì sự hiểu biết này rất cần cho những hiểu biết về văn hóa nhân loại nói chung hay văn hóa của một dân tộc nói riêng, và đồng thời sự tìm hiểu đó cũng rất cần thiết cho những nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa của con người. Ngoài ra sự hiểu biết về các nền hay khu vực văn hóa khác nhau cũng có thể giúp người ta xóa đi hay tránh được những ý nghĩ tiền định (và các loại stereotype) về văn minh (civilization), những đánh giá sai lầm về các xã hội vì khác biệt văn hóa, cũng như tránh được tinh thần chủng tộc độc tôn (ethnocentrism) hay kỳ thị (discrimination) chủng tộc hoặc bất cứ một tinh thần độc tôn hay kỳ thị nào khác như địa phương độc tôn, tôn giáo độc tôn, đảng phái độc tôn, kỳ thị địa phương, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị đảng phái, v.v. . .

Người Pháp có câu ngạn ngữ: Appeler le chat le chat (Gọi con mèo là con mèo), do đó vùng đất Đồng Nai Cửu Long lẽ ra nên gọi chính danh là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đó là tên gọi do vua Minh Mạng đặt ra năm 1834 để đặt tên cho cõi đất ở phương Nam (kỳ có nghĩa là cõi đất), còn cõi đất Bắc là Bắc Kỳ và đất Trung gọi là Kinh Kỳ. Sở dĩ địa danh Nam Kỳ đã bị mang ấn tượng phân chia bởi lẽ năm 1946, Pháp lập ra chánh phủ Nam Kỳ tự trị với âm mưu tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam, nhưng tổ chức nầy không kéo dài được lâu. Chánh quyền Cộng Sản lại dùng danh từ Nam Bộ, vừa để bôi xóa một địa danh lịch sử, vừa lợi dụng tổ chức yêu nước của người Việt chống Pháp là Nam Bộ kháng chiến để quỷ quyệt sử dụng danh từ Nam Bộ trên phần đất mà người dân luôn gọi là Nam Kỳ.

Chúng tôi phải dài dòng về một danh từ như vậy để hiểu rằng anh Liêm cũng như những người sinh quán ở Nam Kỳ, vốn là con cháu của các tiền bối miền Thuận Quảng khi xưa đã vào Nam lập nghiệp trên con đường Nam Tiến, mang nỗi ưu tư mong muốn phục hồi và phát huy nền văn hóa của vùng đất mới mà chiến tranh và điều kiện nhân văn xã hội đã khiến nền văn hóa nầy bị bỏ quên hay bỏ qua. Bỏ quên vì không được biết đến, và bỏ qua vì được biết nhưng vì đánh giá thấp nên không được quan tâm.

Việc anh thành lập Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt cũng nằm trong ưu tư phục hồi những biểu tượng lịch sử và văn hóa nầy. Anh viết: «Nếu chùa Một Cột là biểu tượng của Văn Hóa miền Bắc, chùa Thiên Mụ là biểu tượng của văn hóa miền Trung thì Lăng Ông Bà Chiểu là biểu tượng của văn hóa miền Nam»

Anh Liêm đã can đảm bắt đầu chuyện bỏ quên bỏ qua và đến nay, chuyên san Đồng Nai Cửu Long do anh chủ trương là tập san biên khảo về Nam Kỳ Lục Tỉnh duy nhất ở hải ngoại nếu không muốn nói là cả trong nước.

Nói về anh Liêm, người trong nước biết anh như một nhà giáo dục qua các chức vụ của anh từ cấp bậc giáo sư, hiệu trưởng, chuyên viên đến Thứ trưởng. Ở mỗi chức vụ, anh hoàn thành công tác một cách hữu hiệu, nhiều hay ít tùy hoàn cảnh và nhận định, nhưng có điều chắc chắn, mỗi lần anh rời một chức vụ, anh không để lại một dấu vết cần bôi xoá. Anh được nhiều đồng nghiệp, đồng liêu và thuộc cấp nể trọng.

Ở hải ngoại, từ thập niên 90, tại vùng đất anh sinh sống, tuy anh vẫn mang nghiệp vụ giáo chức, nhưng người ta biết đến anh nhiều hơn như một người hoạt động văn hóa, xã hội và những năm gần đây còn là một người hoạt động chính trị. Anh tham gia hay chủ trì các sinh hoạt chính trị, dĩ nhiên là chống chế độ Cộng Sản trong nước và các phe nhóm thân cộng ngoài nước, một phần vì lý tưởng của anh mà có lẽ một phần vì tình cảm với bằng hữu của anh. Nếu khi anh sinh hoạt văn hóa và giáo dục, ngoài kiến thức và bản chất trung hậu, anh lại có đông đảo bạn đồng chí hướng để cùng chia xẻ với anh trong tinh thần đồng đội, tôi nghĩ là anh thoái mái, nhưng khi anh làm chính trị, nhìn từ xa, tôi có cảm tưởng như anh là một chú nai tơ bị bao vây bởi loại thú dữ. Khi anh tổ chức lễ tưởng niệm cụ Trần Văn Hương và nhất là gần đây cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, anh bị tấn công bởi những gangsters chuyên nghiệp. Tôi thán phục anh, bởi những điều anh làm phù hợp với lương tri và lương tâm của những người đã sống trong hai chế độ Cộng Hòa đối với những người có lòng và có công với chế độ, nhưng tôi tự hỏi, anh có can đảm hay hứng thú để tiếp tục chịu đựng những cú đấm bất ngờ cho đến bao giờ.

Năm nay anh đã hơn 70 tuổi. Tuy anh chậm chạp hơn, tóc đã quá bạc và rơi rụng dần, nhưng những neurones của óc anh có vẻ không già như sắc vóc. Anh vẫn tinh nhuệ, vẫn hoạt động hang say và ngay trong cuộc đi chơi, anh cũng mang theo dự án. Tôi thương anh và mong anh giảm bớt cường độ sinh hoạt vì tôi không muốn anh sẽ như người bạn đồng môn, đồng đội của anh vừa phải ngã gục sau những ngày lao tâm lao lực.

Đó là những tâm tình ghi vội của người em, người bạn viết cho anh Liêm từ phương xa.

Lâm Văn Bé

Montréal

(bài viết cũ hơn 10 năm trước)

http://cothommagazine.com/GSTSNguyenThanhLiem/AnhLiemNhuToiDaBietTuLau-LamVanBe.pdf


Bài liên quan:

- Trang sưu tầm những bài viết về Gs. Ts. Nguyễn Thanh Liêm