Nguyễn Tài Ngọc, Ngày 26/6/2016

Sau khi Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến vào năm 1949 biến đổi Trung Quốc sang Cộng Sản, Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower dùng thí dụ con cờ domino ngã dây chuyền khi một con cờ đầu tiên đổ để làm thí dụ cho mối lo ngại của Hoa Kỳ là Cộng Sản Trung Quốc và Nga-Sô sẽ bành trướng chủ thuyết Marxist, lần lượt xâm chiếm từng quốc gia lân cận một.

vietnam china map

Năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Bắc Việt đổi sang chính thể Cộng Sản, và với sự giúp đỡ của Trung Cộng và Nga-Sô, bắt đầu tấn công Nam Việt Nam. Biến chuyển này làm người Mỹ càng tin hơn vào chủ thuyết domino, dốc lòng bảo vệ Nam Việt Nam trong suốt hai thế kỷ vì Hoa Kỳ tin rằng nếu Nam Việt Nam mất thì Cam-Bốt, Ai Lao, Thái Lan, Mã-Lai... sẽ lần lượt mất theo.

Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ & khối Nato và Nga-Sô & khối Cộng Sản Đông Âu bắt đầu từ năm 1962 ngày càng gia tăng, với hai phe thi đua tăng cường vũ khí chiến tranh với mục đích bảo vệ cho sự sống còn của quốc gia mình. Cộng Sản Nga-Sô đã là một đối thủ đáng kể, đối đầu với cả hai Nga-Sô và Trung Quốc trong cùng một thời gian là một mối lo ngại lớn cho Mỹ nên vào năm 1972, Tổng Thống Richard Nixon của Đảng Cộng Hòa Republican, một người cực kỳ bảo thủ chống Cộng tuyệt đối, làm một chuyện mà chính trường Mỹ kinh ngạc: Nixon sang Trung Quốc viếng thăm Mao Trạch Đông.

nixon mao
Tổng Thống Richard Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông vào năm 1972 ở Trung Quốc (ảnh: fmprc.gov.cn)

Sự thăm viếng này tạm chấm dứt mối thù nghịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong suốt 25 năm không liên lạc. Nó bắt đầu cho một kỷ nguyên mới, thiết lập ngoại giao và kinh tế giữa hai quốc gia. Nó cũng làm cán cân thăng bằng của cuộc chiến tranh lạnh giữa khối tự do và khối Cộng Sản thay đổi, nghiêng về Hoa Kỳ: Trung Quốc bang giao với Hoa Kỳ là một ngấm ngầm bắt đầu chứng tỏ mối liên minh rạn nứt của hai quốc gia Cộng Sản Nga-Sô, Trung Quốc. Nỗi hiềm khích giữa Trung Quốc và Nga Sô đưa đến Trung Quốc xâm lăng Việt Nam năm 1979, và Trung Quốc gửi hơn một triệu rưỡi quân đến phòng thủ biên giới Trung Quốc - Nga-Sô, e ngại Nga-Sô có thể tấn công quốc gia mình.

Vào năm 1966, lo ngại cho quyền hành của mình bị suy giảm có thể bị đảo chánh, Mao Trạch Đông tung ra Cách Mạng Văn Hóa với mục đích củng cố uy lực, thanh trừng những người trong giới chức lãnh đạo Cộng Sản, kể cả những người đã cùng tranh đấu với mình như Đặng Tiểu Bình, và đưa Trung Quốc trở lại chủ nghĩa thuần túy Cộng Sản. Mao Trạch Đông giao cho bốn người gọi là Tứ Nhân Bang (Bè Lũ bốn tên) để thi hành chiến dịch Cách Mạng Văn Hóa. Một trong bốn người là Giang Thanh, vợ Thứ Tư của Mao Trạch Đông.

Bốn người trong nhóm Bè Lũ Bốn Tên tha hồ hoành hoành trong vòng 20 năm, cho đến khi Mao Trạch Đông chết vào năm 1976 thì Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt. Cả bốn người đều bị bắt và đưa ra xử án. Người ta phỏng đoán là hơn một triệu rưỡi người bị giết chết trong chiến dịch Cách Mạng Văn Hóa.

Người lên nắm quyền sau khi Mao Trạch Đông chết là Đặng Tiểu Bình. Dù rằng đã bị đối xử ngược đãi bởi họ Mao, Đặng Tiểu Bình khôn khéo không đổ lỗi cho Mao Trạch Đông, và vẫn giữ hình ảnh Mao Trạch Đông là ông cha tiền phong sáng lập Cộng Sản Trung Quốc. Nhận thức được Trung Quốc đắm chìm vào thời tiền sử trong suốt 20 năm cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình khôn khéo liên lạc với Tổng Thống Jimmy Carter , và vào năm 1979, bay sang Hoa Kỳ gặp Carter để ký kết thỏa ước bang giao mậu dịch giữa hai quốc gia. Thỏa ước này đánh dấu sự bùng nổ kinh tế, đưa Trung Quốc đến cường quốc kinh tế lẫn quân sự ngày hôm nay.

Trong khi đó, sau khi Cộng Sản Bắc Việt chiến thắng Nam Việt Nam, quân Khmer Đỏ e ngại Bắc Việt sẽ thiết lập lại Indochine với Bắc Việt là bá chủ. Do đó, bắt đầu từ tháng 5, 1975, Cam-Bốt tấn công lẻ tẻ sang phần đất Việt Nam, với cao điểm chiến tranh tổng tấn công vào tháng 4, 1977. Cuối năm 1977, Việt Nam xua quân trả đũa với hy vọng ép buộc Cam-Bốt ngồi vào bàn điều đình thế nhưng không thành công. Tháng Giêng 1978, Việt Nam rút quân khỏi Cam-Bốt.

Cho rằng sự rút quân chứng tỏ thế lực Việt Nam yếu đuối, Cam-Bốt tiếp tục khai chiến với những tấn công rời rạc. Bực mình với sự quấy nhiễu khiêu khích của Cam-Bốt, bực mình vì Cam-Bốt ỷ lại liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, ngày 25-12-1978, Việt Nam đưa 150,000 quân xâm lăng Cam-Bốt, đánh bại Quân Đội Cách mạng Kampuchea chỉ trong vòng hai tuần.

Sau 30-4-1975, Việt Nam cố giữ cân bằng trong việc giao dịch với Nga-Sô và Trung Cộng, thế nhưng mối liên hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng trở nên căng thẳng khi Việt Nam thiên về Nga-Sô, và Nga-Sô dàn quân ở biên giới Nga-Sô & Trung Cộng. Vào năm 1977, Trung Cộng phản đối Việt Nam đối xử tàn tệ với người Hoa ở Bắc Việt khi Việt Nam bắt đầu "đuổi" người Việt gốc Hoa trở thành boat people rời khỏi Việt Nam. Khi Cam-Bốt, một quốc gia nhận lãnh trợ giúp kinh tế và quân sự của Trung Quốc, bị Việt Nam xâm lăng thì Đặng Tiểu Bình nhân cơ hội này quyết định "dạy cho Việt Nam một bài học", sau khi Đặng Tiểu Bình liên lạc trực tiếp với Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter để nhận lãnh cam đoan là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào chiến tranh của Trung Quốc.

Nghĩ rằng đa số quân đội thiện chiến của Việt Nam vẫn còn ở Cam-Bốt, và chỉ có khoảng 70,000 quân Việt Nam ở miền Bắc để bảo vệ Hà Nội, Trung Quốc dùng yếu tố bất ngờ đưa 20 sư đoàn 200,000 quân lính với 400 xe tăng tấn công năm vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. Lo ngại với khả năng hữu hiệu của hệ thống hỏa tiễn phòng không của Nga-Sô mà Bắc Việt dùng chống máy bay Mỹ, Trung Quốc quyết định không dùng Không Quân mà trông cậy vào Bộ Binh với chiến thuật biển người.

Tuy rằng không kịp kéo quân từ Cam-Bốt về tham chiến, ngoài 70,000 quân trực tiếp đương đầu, Việt Nam vẫn còn hơn 100,000 binh lính, và với kinh nghiệm chiến tranh đánh nhau với Hoa Kỳ, dễ dàng chận đứng quân đội Trung Quốc với chiến thuật biển người lỗi thời và vũ khí xưa cũ (so với vũ khí của Nga Việt Nam dùng). 3000 quân Trung Cộng bị giết chết chỉ trong vòng vài ngày đầu.

Sáu tuần sau, vào tháng 3, 1979, với số tử vong quá cao (phương Tây phỏng đoán số binh lính Trung Quốc tử vong là 28,000 người, bị thương là 43,000 người), không địch lại quân đội Việt Nam thiện chiến và không đạt được mục đích buộc Việt Nam rời khỏi Cam-Bốt, Trung Quốc rút lui. Trên đường rút quân, quân đội Trung Quốc đốt cháy và tàn sát mọi sự trên đường đi.

Hải quân của hai quốc gia Cộng Sản lân cận lại có dịp đụng độ chiến tranh gần mười năm sau vào ngày 14-3-1988 khi Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) do Việt Nam trấn giữ. 64 thủy thủ Việt Nam bị giết chết, Trung Quốc chiến thắng, chiếm đóng đảo này cho đến bây giờ. Chính quyền Việt Nam hoàn toàn bưng bít cuộc hải chiến này, không hề nhắc tới cũng như ngăn chận tất cả nỗ lực của dân chúng kỷ niệm ngày Hải quân Việt Nam bại trận trước quân Trung Quốc xâm lăng. Tháng 11 năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp ước chính thức tái liên hệ bang giao.

Những năm gần đây, ngoài việc đưa mỏ khoan dầu Hải Dương - 981 đến Hoàng Sa, vào năm 2014, Trung Quốc gia tăng tốc độ làm bá chủ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách thiết lập hải cảng, căn cứ quân sự, phi đạo, hệ thống radar, vũ khí tình báo, đưa lính đến trấn đóng, bắn chìm các tầu đánh cá của Việt Nam, mặc cho Việt Nam và các quốc gia tuyên bố chủ quyền những đảo ở Biển Đông cực lực phản đối.

Tại sao Trung Quốc giành chủ quyền khu vực Biển Đông? Ngoài câu trả lời đơn giản Cộng Sản lúc nào cũng là Cộng Sản dùng võ lực thôn tính những gì mình muốn, người ta ước lượng vùng Biển Đông chứa 11 tỷ thùng phi dầu thô và 190 nghìn tỷ cubic feet khí gas thiên nhiên. Số lượng cá đánh ở biển Đông bằng 1/10 tổng số lượng cá đánh trên thế giới, và 5300 tỷ dollars hàng hóa di chuyển qua khu vực này mỗi năm.

Hoa Kỳ khôn khéo tuyên bố không ngả theo một nước nào trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng nói rất rõ cho Trung Quốc biết không công nhận biên giới hải phận mới Trung Quốc bành trướng. Có thực mới vực được đạo, tầu chiến và máy bay của Hải Quân Hoa Kỳ đã biểu dương lực lượng ở hải phận quốc tế vùng biển Đông.

Trước sự xâm lăng trắng trợn của Trung Quốc, dân chúng Việt Nam phẫn nộ, đòi hỏi chính quyền Cộng Sản Việt Nam phải có thái độ rắn chắc trả đũa.

Nói là một chuyện, làm là một chuyện khác: Trung Quốc bây giờ không phải là Cam-Bốt vào năm 1988 để Việt Nam có thể dễ dàng dùng quân đội giải quyết chuyện bực dọc của mình.

Nếu có hiềm khích, quốc gia bây giờ đánh nhau chỉ trên hai phương diện: kinh tế và quân sự. Muốn nắm chắc phần thắng, mình phải ở trong tư thế khá hơn đối thủ. Trong cả hai phương diện, Việt Nam không thể nào địch nổi Trung Quốc.

Về kinh tế, trong khi Trung Quốc là quốc gia buôn bán nhiều nhất với Việt Nam , $66 tỷ dollars vào năm 2015, thì Việt Nam không nằm trong mười quốc gia buôn bán nhiều nhất với Trung Quốc: Hoa Kỳ mới là quốc gia buôn bán nhiều nhất với Trung Quốc (590 tỷ dollars). Chẳng những thế, Việt Nam nhập cảng nhiều hơn là xuất cảng đi Trung Quốc.

Về quân sự, năm 2016 không phải là năm 1979 Trung Quốc xua quân qua Hà Nội, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc nghèo rớt mồng tơi, vũ khí hai bên có thể cho là ngang ngửa. Năm 2016 hiện giờ Trung Quốc tiêu $155.6 tỷ dollars cho ngân sách quốc phòng hàng năm, trong khi Việt Nam chỉ bỏ ra 3.4 tỷ. Số chi tiêu cho quân sự trội vượt bực này khiến cho quân đội Trung Quốc cái gì cũng hơn Việt Nam: TQ có 2,942 máy bay, VN chỉ có 289 chiếc. TQ có 9,150 xe tăng, VN chỉ có 1,470 chiếc. TQ có 714 tầu chiến, VN có 65 chiếc. TQ có 68 tầu ngầm, VN có 5 chiếc...

Nhưng đó là trên giấy tờ, Việt Nam sẽ thua nếu nhẩy vào một cuộc chiến dài hạn với Trung Quốc. Nhưng nếu hai bên đánh nhau với cuộc chiến ngắn hạn vài tuần, Việt Nam có thể có cơ hội giữ thế cờ ngang ngửa, vì phần lớn vũ khí chiến tranh cả hai cùng mua ở một tiệm: Nga.

- Chiến đấu cơ Su-27: Việt Nam đang sử dụng 40 chiếc, với 20 chiếc còn đang đặt hàng. Những máy bay này có đủ khả năng chống cự với Trung Quốc trong một thời gian ngắn.

- Tiềm Thủy Đĩnh, Kilo class: Việt Nam mua hai cái của Nga, vẫn còn đặt hàng bốn chiếc. Loại tầu ngầm này chạy rất êm, trang bị thủy lôi và cruise missile chống chiến hạm, bảo đảm sẽ làm cho tầu chiến Trung Quốc xiểng niểng.

- Việt Nam hiện giờ có khả năng bắn cruise missiles từ mọi nơi: từ chiến đấu cơ, tầu chiến, tầu ngầm, trên bờ...Những cruise missles này sẽ làm cho tầu chiến Trung Quốc nhức đầu.

- Hỏa tiễn phòng không SAM S-300: Việt Nam khá thành công trong việc phòng thủ chống máy bay oanh tạc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Không có lý do gì mà Việt Nam lại không thành công với đối thủ mới Trung Quốc.

Có cầm cự được bao lâu đi nữa, đánh nhau với Trung Quốc chỉ chuốc họa vào thân, hy sinh xương máu quân đội. Tôi thấy nhiều người biểu tình hăng tiết vịt hô hào phải đánh Trung Quốc. Mạng người rất quan trọng, nếu mình nắm giữ chức vụ lãnh đạo, một tiếng nói có thể đẩy trăm nghìn người xông vào chiến trường hy sinh mạng sống thì nên cân nhắc thật kỹ kưỡng trước khi quyết định của mình làm người khác đổ máu, gia đình thân nhân họ cách biệt nghìn đời.

Nếu có đánh nhau, tôi đề nghị đưa những người biểu tình đòi dạy Trung Quốc một bài học ra chiến trường cho họ chết trước.

Vì phải quý trọng mạng người, tôi nghĩ chúng ta không nên dùng giải đáp quân sự để đối đầu với Trung Quốc. Chúng ta hãy dùng biện pháp kinh tế: tẩy chay hàng Trung Quốc.

Nói là làm. Bắt đầu từ hôm nay tôi sẽ tẩy chay không ăn bánh bao và bánh dầu cháo quẩy.

Nguyễn Tài Ngọc

http://saigonocean.com/

June 2016

Tài liệu tham khảo:

http://www.nytimes.com/interactive/2015/07/30/world/asia/what-china-has-been-building-in-the-south-china-sea-2016.html?_r=0

http://www.cfr.org/asia-and-pacific/chinas-maritime-disputes/p31345#!/p31345

http://vietnamnews.vn/economy/251510/china-tops-list-of-viet-nam-trade-partners.html#p0AdycRWrXQtUciq.97

https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_the_largest_trading_partners_of_China

http://europe.chinadaily.com.cn/business/2016-03/08/content_23781703.htm

http://www.globalfirepower.com/countries-comparison-detail.asp?form=form&country1=China&country2=Vietnam&Submit=COMPARE

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A8_l%C5%A9_b%E1%BB%91n_t%C3%AAn

http://www.history.com/topics/cultural-revolution

https://en.wikipedia.org/wiki/Cambodian%E2%80%93Vietnamese_War.

http://www.historynet.com/war-of-the-dragons-the-sino-vietnamese-war-1979.htm

http://nationalinterest.org/print/feature/when-china-vietnam-went-war-four-lessons-history-16675

http://saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/trangNTN.htm