Giao Chỉ, San Jose.

Thân gửi quý độc giả và bằng hữu.

Nhân dịp lễ giáng sinh 2015 chúng tôi xin gửi đến các bạn lời chúc mừng bằng một bài viết, tiếp theo bên dưới là youtube phần nói chuyện. Sau cùng là bài ca do tài tử da đen nổi tiếng trình diễn. Ông cất tiếng kêu gọi thống khổ: Hãy cho dân tôi đi. Nhạc và lời cất tiếng vào bất cứ lúc nào cũng đúng lúc và đúng chỗ. Bài báo chúng tôi viết cho các báo giấy và các diễn đàn. Phần nói chuyện đó Cali Today thực hiện dành cho khán giả và anh Long Tứ Hải trình bày kèm theo bài ca.

Mùa giáng sinh 2015 chúng tôi đưa ra các nhận xét theo thời sự. Từ tiệc thân hữu da trắng da đỏ đầu tiên đến nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu chiến tranh và biến động thời sự. Người Anh chống lại quê hương để trở thành người Mỹ. Người Mỹ qua 2 đại chiến đã cứu nước Anh. Da trắng bắt da đen làm nô lệ xây dựng quốc gia nhưng rồi có chiến tranh Nam Bắc vì muốn giải phóng nô lệ. Tập trung da đỏ vào khu biệt lập. Cầm giữ da đen không được tự do. Vì vậy nên có bài ca Hãy cho dân tôi đi. Let my people go. Rồi đến công cuộc mở nước về miền Tây nhờ da vàng Tầu Nhật làm cu ly xây đường xe lửa. Quốc gia nầy vừa hung bạo vừa nhân từ. Vừa kỳ thị lại chống kỳ thị. Đất nước với tiền nhân viết ra hiến pháp dân chủ và tuyên ngôn nhân quyền nhưng lại có quá nhiều sai lầm. Nhưng sai lầm nào cũng được sửa chữa. Sau cùng người Việt đến Mỹ thì Hoa Kỳ may mắn ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất. Da đen, da đỏ, da vàng thời trước đã gánh chịu cho chúng ta, kẻ đến sau nhiều nỗi gian truân. Với bao nhiêu thảm kịch di dân như tại Trung Đông và Âu Châu hiện nay, chúng ta có nhiều lý do hơn nữa để tạ ơn trời đất với tấm lòng chân thành.Xin chia xẻ với quý độc giả và bằng hữu. Mùa tạ ơn 2015 với 40 năm trên quê hương mới.

Người Giao Chỉ ở San Jose.


Từ Hoa Tháng Năm đến Nước mắt Tháng Tư.  

(Giao Chỉ, San Jose)

mayflower 
Con tàu Mayflower.   

Hoa Kỳ có thành ngữ lạ lùng. Mưa tháng tư nở hoa tháng năm. April showers bring May flowers. Nhưng bài tạp ghi này sẽ đem lại độc gỉả câu chuyện khác. Tháng tư của chúng ta không phải trận mưa rào hạnh phúc. Đây là tháng tư nước mắt. Con tầu Hoa tháng Năm ra đi từ Âu châu ngày 6 tháng 9-1620. Trải qua hải trình 66 ngày đến châu Mỹ ngày 9 tháng 11-1620. Lịch sử di dân mở ra trang thứ nhất tại Hoa Kỳ. 355 năm sau từ ngày 30 tháng tư 1975, trong suốt 20 năm dài hàng ngàn con tàu Nước mắt tháng Tư của người Việt Nam ra đi từ châu Á cũng đến Hoa Kỳ. Một trang sử mới mở ra cho cộng đồng Việt hải ngoại. Bây giờ là mùa Tạ ơn 2015, trải qua 40 năm người Việt có mặt tại Mỹ, xin cùng đất nước này đọc lại bài học lịch sử.  Quả thực người Mỹ đã có đầy đủ lý do để giữ gìn truyền thống với ngày Lễ Tạ ơn vào tháng 11 mỗi năm. Lịch sử ghi rằng vào năm 1620 có một nhóm gia đình người Anh theo Tin Lành đã đi tìm đất mới để sống đời tự do tín ngưỡng Con tàu May Flower nổi danh vượt Đại Tây Dương chở di dân với các niềm tin giáo lý khác nhau đến vùng Plymouth Rock của tiểu bang Massachusetts bây giờ. Nhóm gia đình người Anh chỉ có hơn ba chục, số còn lại là phần đông thủy thủ đoàn. Tổng số 102 người.

Đây là con tàu chính thức của di dân vì gồm cả gia đình vợ con. Trải qua một năm đầu với mùa đông khắc nghiệt, không đủ thực phẩm, không có đủ quần áo, không có nơi cư trú nên di dân đã phải chôn cất 46 người. Qua năm sau, mùa gặt 1621 thành công, di dân cùng dân da đỏ bản xứ tổ chức tiệc mừng lễ tạ ơn trên đất Mỹ.

Lễ hội Thanksgiving.

Đó là ngày lễ hội đầu tiên tại Mỹ Châu và truyền thống còn mãi đến ngày nay. Không dựa theo 1 đạo giáo nào, lễ tạ ơn trải qua gần 400 năm đã thành ngày hội của cả quốc gia cảm ơn trời đất cho mọi người đủ cơm áo để sinh tồn. Nhưng phải ghi nhận rằng, thời đó dân bản xứ địa phương là người da đỏ. Nếu da đỏ không chào đón mà thẳng tay thanh toán thì lịch sử Hoa Kỳ sẽ không có lễ Tạ Ơn. Da đỏ không ngờ rằng đã chào đón những người khách không mời sẽ trở thành các thực dân mới trong tương lai. Trong bữa tiệc lễ tạ ơn năm đầu tiên di dân đã ăn thịt gà rừng, ăn bánh làm bằng trái bí đỏ và thực đơn này đã trở nên món ăn truyền thống ngày lễ hội của Mỹ quốc cho tới ngày nay.

Tuy nhiên để trở thành một ngày quốc lễ chính thức thì phải tới năm 1863, vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là ông Lincoln mới ban hành luật. Từ đó lễ tạ ơn được chính phủ công nhận vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba tháng 11 hàng năm.

Bây giờ Hiệp Chủng Quốc đã trở thành quê hương mới của các sắc dân. Từ 102 di dân trên tàu Hoa Tháng Năm, Hoa Kỳ đã có trên 300 triệu dân và trở thành quốc gia hùng cường nhất thế giới.

Miền đất cơ hội.

Nước Mỹ có tiềm lực lớn hơn tất cả quốc gia Âu Châu gộp lại. Và điểm đặc biệt nhất, Hoa Kỳ chính là miền đất của cơ hội.

Hãy đưa ra một thí dụ cụ thể tại quốc gia dù tiến bộ như Nhật Bản nhưng không bao giờ một di dân nước ngoài có thể trở thành triệu phú, chính khách, khoa học gia, tướng lãnh hay tài tử tại đất nước của Thiên Hoàng. Nhưng tại Mỹ thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra cho người ngoại nhập. Qua thế kỷ 21 di dân da đen, da vàng đã có nhiều cơ hội. Một tài tử điện ảnh gốc Áo là ông Arnold đã trở thành thống đốc California 2 nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush, ngoại trưởng Hoa Kỳ vốn là một người da đen sinh trưởng ở hải đảo thuộc Mỹ. Tướng Collin Powell trước khi làm ngoại trưởng đã từng là tham mưu trưởng liên quân. Khi ông Powell đệ đơn từ chức, tổng thống Bush đã đưa bà da đen Condoleezza Rice lên kế nhiệm. Cần phải biết là chức vụ ngoại trưởng ở vị trí quan trọng thứ 4 trong guồng máy hành pháp Hoa Kỳ. Nếu xảy ra biến động thì người thay thế tổng thống là phó tổng thống kiêm chủ tịch thượng viện. Người thứ ba là chủ tịch Hạ Viện và rồi đến ngoại trưởng Hoa Kỳ. Vị trí thứ 4 của bậc thang trong quốc gia đầy quyền lực trên thế giới nằm trong tay một phụ nữ da đen độc thân 50 tuổi đã từng nổi danh trong giới khoa bảng tại đại học Stanford California.

Trước khi được mời về làm cố vấn an ninh Bạch Cung, nàng Condi da đen đã làm giám hiệu đại học y khoa Stanford danh tiếng nhất thế giới với ngân sách 1 tỷ rưỡi mỹ kim, 1400 giáo sư với nhiều tước hiệu Nobel dạy 14,000 sinh viên ưu tú trên toàn cầu. Cho đến mùa lễ tạ ơn 2008 thì một huyền thoại đã thành sự thực. Một người con của di dân da đen, thượng nghị sĩ Obama đã được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Không nước nào trên thế giới có thể dành cho người di dân nhiều cơ hội như thế. Và người di dân Việt trải qua 40 năm đã có nhiều thành tích đáng kể. Dân biểu liên bang, ngồi ghế lập pháp các tiểu bang, các phi công, các khoa học gia, các nhà tư bản, hàng trăm cấp đại tá. Mới thêm một tướng lãnh thứ hai. Đứng đầu toà lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Đại tá tùy viên quân lực Mỹ tại Hà Nội. Phụ tá các bộ trưởng trong chính phủ. Ở địa phương chúng ta có nhiều viên chức dân cử. Chánh án, thị trưởng, nghị viên và giám sát viên....             Tu chính án Dân Quyền.    Hoa Kỳ là quốc gia được thành lập và xây dựng bởi các sắc dân. Tiền nhân của Mỹ quốc đã viết nên các bản văn bất hủ là hiến pháp và tu chính án Dân Quyền.

Đạo luật quốc tịch của Hoa Kỳ ban hành năm 1790, hơn 225 năm trước đã có những lời vàng ngọc như sau: Bất cứ ai tị nạn đến Hoa Kỳ, sau khi được xác nhận sẽ hưởng quy chế nhập cư. Như vậy chúng ta hiểu một cách giản dị là nếu đã đến Mỹ thì sẽ có cơ hội trở thành người Mỹ. Căn cứ vào điều khoản của luật 1790, một đạo luật khác đã ra đời năm 1975 có tên là Indochina Migration and Refugee Act.

Sau đây là đoạn văn của năm 75 mà di dân Việt Nam cần đọc lại trong mùa tạ ơn năm 2015.

Tổng thống Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách để mở rộng cánh cửa đón người tị nạn đến từ 3 quốc gia Đông Dương. Các viên chức trách nhiệm tại Mỹ sẽ đưa ra tất cả mọi phương tiện để giúp cho người dân tị nạn định cư. Phải nỗ lực làm giảm những đau khổ kinh hoàng của người tị nạn đến từ Đông Nam Á.

Vào tháng 7-1977 sau 2 năm đầu giúp đỡ người tỵ nạn Đông Dương di tản đợt 75, Hoa Kỳ ban hành luật gia hạn việc cứu trợ về tài chánh, y tế, và dịch vụ.

Tháng 3-1980 Mỹ ban hành thêm quy chế tỵ nạn vĩnh viễn và đề ra một chính sách tỵ nạn áp dụng chính thức tại Mỹ. Suốt 40 năm qua, kể từ tháng tư 75 khi nhiều khi ít, khi khó khăn, khi dễ dàng, Hoa Kỳ đã dành ra những cấp khoản lớn lao cho người Việt đến Mỹ để làm thành 1 cộng đồng di dân đông đảo nhất trong cuối thế kỷ thứ 20.

Dân Việt tỵ nạn.

Trong buổi bình minh của lịch sử Hoa Kỳ lập quốc, di dân vượt Đại Tây Dương đến Mỹ Châu đa số gốc Âu Châu. Sau đó là Phi Châu bắt buộc nhập cuộc trên những con tầu nô lệ vô cùng thảm khốc.Thái Bình Dương đưa đến Mỹ dân Tầu và Nhật.

Từ đầu thế kỷ 20 hoàn toàn không có người Việt đến Mỹ cho đến khi gặp cơn hồng thủy 1975. Truyền thống của dòng giống Việt tộc thường không khích lệ con đường tha phương cầu thực. Vì vậy ngoại trừ số nhỏ qua lập nghiệp bên Miên, Lào và Thái, phần lớn người Việt đều ở lại với quê hương ven biển Nam Hải.

Khi miền Nam sụp đổ tháng 4-1975 đợt di tản đầu tiên của người Việt đã mở ra một đầu cầu quan trọng cho lịch sử di dân từ Châu Á. 135 ngàn người tìm tự do trong đợt đầu định cư thành công trong năm 1975 đã tạo thành lý do cho Hoa kỳ mở rông vòng tay nhân đạo đón chào một triệu người vào Mỹ trong 20 năm 75-95. Những chuyến đi vô cùng mạo hiểm của thuyền nhân đã làm thành thiên anh hùng ca của con đường đi tìm tự do với hàng ngàn con tàu May Flower của dân Việt đã ra đi không bao giờ đến được miền đất Hứa. So sánh cuộc di cư tỵ nạn Việt Nam với dân Syria hiện nay, thế giới đã có nhiều nhận xét khác biệt. Cùng là di cư tỵ nạn mà sao thế giới cũng như Hoa Kỳ ngày nay đã không mở rộng vòng tay. Syria là quốc gia văn minh sẵn có nền văn hóa Tây phương, sắc diện Âu Mỹ có thể hội nhập nhanh chóng nhưng chính các hành vi bạo động của những người đi trước đã làm gương rất xấu cho các đợt sau. Người Việt chúng ta không có những hành động đáng tiếc như vậy.     

 Quà gửi về quê hương.     Những người di dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây cùng với các gia đình bảo trợ, với các họ Đạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ.

Rồi những bức hình và những lá thơ gửi về cho thân quyến tại quê nhà đã trải qua suốt 10 năm khốn khổ sau 75. Miền Bắc là nơi giam giữ tù cải tạo. Miền Nam là những khu kinh tế mới.

Khi di dân Việt Nam trải qua 10 lần dự tiệc tạ ơn tại Hoa Kỳ thì những thùng quà gửi về đã làm cho cả đất nước hồi sinh. Từ cây kim sợi chỉ, từ chai thuốc tây đến thước vải. Những tờ giấy Mỹ Kim nằm trong hộp thuốc đánh răng với lời thư dặn dò đầy nước mắt. Thư viết rằng thuốc đánh răng này tốt lắm. Cố sức giữ lại mà dùng, đừng bán đi. Vỏ cũng xài được, đừng vất đi. Người ở lại đã phải nát óc vò đầu để tìm ra được ý nghĩa mật thư là trong tuýp thuốc có tiền. Có khi lá thư viết rằng nếu đói quá thì bán vải, bán đá lửa, bán bút bi đi mà ăn, nhưng cố giữ lấy cái thùng giấy đựng quà mà dùng. Hiểu được ý nghĩa lá thơ, người Sài gòn phải lần mò tháo hết vỏ thùng để tìm thấy giấy 100 đô giữa hai lớp bìa cứng.

Và cứ như thế dưới nhiều hình thức những con gà Tây của lễ tạ ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam. Quà và tiền gửi về thể hiện cho hình ảnh vật chất đầy đủ ở phía chân trời và đồng thời cũng là hình ảnh cuộc sống tự do rực rỡ nở hoa với chan hòa ánh sáng.

Chiến dich sau cùng.

Và dù 5 ăn 5 thua con tàu May Flower Việt Nam đã ra đi từ khắp miền duyên hải Việt Nam có khi chỉ là những chiếc ghe nhỏ bé mong manh.

Người Việt đã vì nhiều lý do để ra đi suốt bao nhiêu năm qua. Và danh từ Boat People trong tự điển thế giới đã không còn cùng ý nghĩa xưa cũ để chỉ những người sinh sống ở trên thuyền.

Boat People ngày nay có nghĩa là người Việt đã đi tìm tự do bằng thuyền vượt biển Đông. Trung tuần tháng 5-1975, khi những chiến hạm và thương thuyền chở người di tản rời khỏi biển Đông thì những con tàu vượt biên đầu tiên bắt đầu ra khơi. Hành trình Exodus của Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu. Trong một phần tư thế kỷ chiến tranh, miền Nam đã đứng vững một cách kỳ lạ với trận Mậu Thân 68, với mùa hè đỏ lửa 72 tại Kontum, Bình Long và Quảng Trị. Với những ngày tháng vừa đánh vừa đàm năm 73. Cho đến trận tháng tư 75 thì hoàn toàn gãy súng tan hàng. Tất cả các chiến dịch trong 21 năm bảo vệ hai nền cộng hòa luôn luôn có tiền tuyến hậu phương. Chỉ riêng những người chiến binh đi vào lửa đạn. Nhưng đến chiến dịch vượt biên tìm tự do không có trong binh thư thỉ toàn thể mọi người đều ra trận. Âm mưu chuẩn bị đóng tàu, chôn dầu, làm giấy tờ giả, mua bãi, cải trang, chuẩn bị tiếp liệu, mua thuốc ngủ cho trẻ thơ không khóc, uống thuốc ngừa thai để không sinh con hải tặc hay thậm chí chuẩn bị uống thuốc tự vẫn để tránh bị hãm hiếp. Những người chiến binh tham dự vào trận đánh sau cùng trên biển khơi bao gồm cả nam phụ lão ấu. Những bà cụ già và phụ nữ mang thai. Những trẻ em sơ sinh và cả những người tàng tật. Kẻ thù là Cộng sản ngăn cấm, là sóng gió biển khơi, là hải tặc và sau cũng là cả hải quân của các nước Đông Nam A không nhận tỵ nạn. Hơn một triệu người đã tham dự trận đánh cuối cùng kéo dài 20 năm với khoảng it nhất là 250 ngàn người hy sinh. Khi lên được trại tỵ nạn lại còn chiến đấu với lính gác, chiến đấu với các phái đoàn phỏng vấn, chiến đấu với chính sách cưỡng bách hồi hương. Trải qua những gian khổ vô cùng để được gọi là chiến dịch của những con tàu tháng tư đầy nước mắt. Cách xa nhau hơn 2 thế kỷ, lấy đau thương tháng tư để so sánh với con tầu hạnh phúc duy nhất Hoa tháng Năm.

Quê hương mới.

Lịch sử các cuộc di dân của nhân loại đã đưa đến nhận định rằng Ta không thể lựa chọn sinh quán, nhưng ta có thể chọn lựa để sống ở miền đất mà chúng ta yêu quý. (You cannot choose the land you birth, but you can choose the land you love)

Thực đúng như vậy, chúng ta đã sinh ra đời trên quê hương không hề có sự lựa chọn nhưng nếu phải trả giá với sự sống chết thì chúng ta vẫn có cơ may lựa chọn nơi sinh sống.

Vì vậy không phải là chỉ người Mỹ hậu duệ của con tàu Hoa Tháng Năm đến từ Đại Tây Dương mới có quyền ăn gà Tây tháng 11. Dân Việt tỵ nạn cũng có đủ tư cách để cúng trời đất vào mùa lễ hội tạ ơn hàng năm.

Xem chuyện Do Thái và Palestin tranh chấp đẫm máu ở miền Trung Đông để biết rằng cả hai dân tộc này đã khốn khổ biết chừng nào. Năm ngàn năm trước người Do Thái vì lý do tôn giáo đã bỏ nước ra đi đến bốn phương trời. Họ thành công trên khắp thế giới nhưng vẫn hướng về đất thánh Jerusalem đầy huyền thoại. Sau khi bị Đức Quốc Xã bức hại dã man tại Âu Châu, khi đại chiến kết thúc, thế giới mở đường cho Do Thái trở về quê xưa dựng nước.

Bây giờ lại đến lượt người dân của đất Palestime phải ra đi. Và cuộc đấu tranh giành đất giữa hai mối cựu thù vì niềm tin tôn giáo bắt đầu. Hận thù chất ngất đến nỗi có hàng ngàn người quyết đổi mạng sống để giết hết sắc dân thù nghịch gồm cả đàn bà và trẻ con vô tội. Mối hận thù truyền kiếp đã đưa đẩy Hoa Kỳ và cả thế giới vào cơn Hồng Thủy của cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.

Đã từ lâu miền Trung Đông không hề có những ngày lễ tạ ơn với cuộc sống bình yên. Và cũng không có triển vọng sẽ có một tương lai bình yên ở một nơi đầy dầu hỏa được gọi là vàng đen trong lòng đất.

Người Việt tại Hoa Kỳ đang sống bình yên ở miền đất cơ hội nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta có dịp mở rộng viễn kiến để nhìn ra thế giới đầy thảm họa và biến động.

Với các tin tức, với các hình ảnh ghi nhận được, mỗi công dân Hoa Kỳ dù là bổn sinh hay ngoại nhập đều dễ dàng trở thành người dân có tri thức, có sự hiểu biết, có tấm lòng rộng lượng, có đức tính tha thứ, để sống với nhau tử tế. Đặc biệt có đủ hạnh phúc căn bản với cơm no áo ấm và tự do để cùng nhau dâng lễ tạ ơn với các niềm tin tôn giáo khác nhau.

Nhân dịp Thanksgiving 2015, xin gửi đến quý vị lời chúc mừng một lễ tạ ơn đầy hạnh phúc.

Giao Chỉ – San Jose

=============