Thông Báo

Kính mời đồng bào ghi danh mời cha mẹ, ông bà dự Lễ Chúc Thọ Đầu Năm tại làng VN trong Hội Chợ Tết Sinh Viên – 2 giờ trưa thứ Bảy 31 tháng Giêng năm 2009 (Mồng 6 Tết Kỷ Sửu).

Nhằm bảo tồn truyền thống “kính lão đắc thọ” và “kính già, yêu trẻ” của dân tộc Việt, Hội Đền Hùng Hải Ngoại phối hợp với Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt tổ chức Lễ Chúc Thọ Đầu Năm dành cho quý cụ THỌ TỪ 80 TUỔI TRỞ LÊN lúc 2 giờ trưa thứ Bảy 31/1/09 tại làng VN trong Hội chợ Tết Sinh Viên. Xin gọi cô Bích Ngọc 714-726-6267, ghi danh mời ông bà, cha mẹ đến dự Lễ Chúc Thọ Đầu Năm, đồng thời tiếp tay phổ biến chương trình hầu duy trì sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa cho thế hệ trẻ VN tại Hoa Kỳ.

 Hội Ném Còn Đầu Xuân [English]

Nhằm giới thiệu 1 tục lệ độc đáo của dân tộc Việt nhân dịp xuân về, Câu lạc bộ Hùng Sử Việt sẽ tổ chức “Hội Ném Còn Đầu Xuân” lúc 7 giờ tối thứ Bảy 31 tháng 1 tại Làng Việt Nam trong Hội chợ Tết Sinh Viên Kỷ Sửu 2009, tạo cơ hội cho người độc thân mọi lứa tuổi kết bạn với nhau. “Ném còn” là 1 hình thức cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và trai gái đủ đôi của đồng bào các sắc tộc như Tày, Nùng, Thái, Mèo,... ở vùng Tây Bắc và người kinh vùng châu thổ sông Hồng. Mời khách du xuân tham dự trò chơi đông đảo cho “Hội Ném Còn Đầu Xuân” thêm tưng bừng vui nhộn. 

o O o

(Xin giới thiệu bài viết của GS. Song Thuận, người sáng lập Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt)
Năm nay, vì lý do sức khỏe, GS. Song Thuận "ủy nhiệm" việc chúc thọ các cụ cho Frank Trần trong trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề Wink 

Lễ Chúc Thọ các cụ Cao Niên tại làng VN Hội Chợ Tết Sinh Viên 2:00 PM trưa thứ bảy 31 tháng 2 – 2009 tức mồng 6 Tết Kỷ Sửu. 

Kính thưa quí vị, 

Dân tộc Việt Nam theo đạo lý “kính già, yêu trẻ”, nên các cụ cao niên thường được con cháu kính trọng và chăm sóc kỹ lưỡng. Đây cũng là đạo hiếu mà bất cứ người Việt Nam nào cũng phải tuân theo. “Kính Lão đắc thọ” hay “kính già, già để tuổi cho” mang ý nghĩa sâu xa về tuổi già, ai cũng phải trải qua. Tôn kính tuổi già, sẽ được tôn kính lại khi trở về già...

 

Tại Việt Nam xưa, tội “bất hiếu” là một trong những trọng tội về hình luật. Lý do dân tộc Việt tôn kính người già vì:

-  Suốt một đời các cụ đã lao động cực nhọc để nuôi dưỡng con cái nên người.

-  Tại thôn quê, các cụ đã trải qua tuổi “Ti Ấu” là những trẻ từ 17 tuổi trở xuống, thường cũng phải đóng góp vào việc tế tự - hoặc có thể làm “dân đinh” là những người từ 18 tuổi đến 54 tuổi, phải gánh vác mọi việc phu phen, tạp dịch nếu không có chức sắc trong làng. 

-  Ngày nay, các cụ cũng đã một đời làm việc, đóng thuế, đi lính giữ nước, làm tròn bổn phận công dân.

Tại nhiều làng quê, tuổi “lên lão” (tương tự ngày nay được về hưu nếu đi làm, hoặc được “hưởng tiền già” nếu không đi làm) là 60 tuổi (có nơi 55 tuổi hoặc 50 tuổi). Dân làng rất tôn kính tuổi già nên gọi các cụ là “quan lão”, mặc dù các cụ chẳng hề làm quan bao giờ. Nếu các cụ có chức sắc trong làng hoặc đỗ đạt, có bằng cấp, có phẩm hàm, được gọi là “lão chức sắc”, không có gì, gọi là “lão nhiêu”. Có nơi tôn vinh 4 cụ già nhiều tuổi nhất làng là “tứ trụ”, tương tự “tứ trụ triều đình” (vì làng xã VN được coi như một tiểu triều đình, nhiều khi “phép vua thua lệ làng” là thế). 

“Sống lâu lên lão làng” là lẽ tự nhiên. Muốn thế phải có sức khỏe tốt, nghĩa là phải có một cuộc sống lành mạnh, đạo đức, và sự hiểu biết thông thường. Lên lão được miễn tạp dịch, miễn đóng thuế và nhiều quyền lợi khác như được hưởng “yến lão” (tiệc rượu, không nhất thiết phải có món yến đắt tiền), được thết tiệc mừng thọ (mỗi năm một lần hoặc hai ba năm một lần).

“Rước lão” là một vinh dự lớn lao đối với tuổi già Việt Nam tại làng quê. Ngày rước lão (vào dịp lễ hội), các cụ tụ họp ở chùa hay công quán, sau đó có võng lọng, cờ quạt, chiêng trống, tráng đinh ăn mặc như lính thú đời xưa, đến rước các cụ qua thôn xóm lên Đình làng, ở đó có tiệc rượu “chúc mừng tuổi thọ” (gọi là yến lão), có tế lễ. Cụ 100 tuổi được ngồi võng điều che 4 lọng xanh,  90 tuổi ngồi võng điều, 2   lọng xanh, 80 tuổi võng  xanh đòn cong, một lọng, 70 tuổi võng xanh đòn ống một lọng. Tại đình làng, bàn thờ Tiên Lão ở giữa, 2 bên các cụ (quan lão) ngồi để con cháu “tế lễ” (2 lạy), giống như tế thần (4 lạy), có 3 tuần rượu, văn tế tiên lão, văn chúc thọ quan lão, có ban tư văn hành lễ, phường bát âm tấu nhạc. Lúc tế, quan lão ngồi trước những mâm cỗ gồm có 2 bánh dày, 2 bánh chưng, giò nem và các loại bánh khác (các cụ chỉ uống rượu mà không ăn gì). Khi về, các cụ được biếu nguyên mâm cỗ cho chiếu nhất, 2 cụ chia nhau một cỗ cho chiếu nhì còn lại,  4 cụ chia nhau 1 cỗ.

Lễ chúc thọ hay mừng tuổi thọ xưa là “yến lão”, được coi như một mỹ tục, do từ đạo Hiếu mà ra. Đây là một nét độc đáo của phong tục Việt Nam, mang tính nhân bản chan chứa tình người với ý nghĩa “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chúng ta sống tại Hải Ngoại, trước cảnh lạnh nhạt của xã hội đối với các cụ khi về già, coi các cụ như kẻ vô dụng, cấp cho các cụ tiền già và đưa các cụ vào viện dưỡng lão để chờ ngày vĩnh viễn ra đi... Về mặt vật chất các cụ không thiếu thốn, nhưng về mặt tinh thần thì sao? Tại nước ta xưa kia, các cụ già thường được coi như những vị cố vấn, vua chúa cũng phải hỏi ý kiến khi cần (như tại Hội Nghị Diên Hồng, vua Trần hỏi ý kiến các bô lão nên hòa hay chiến đối với giặc Nguyên Mông xâm lăng).  

Năm nay Hội Đền Hùng Hải Ngoại và Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt cùng phối hợp tổ chức Lễ Chúc Thọ các cụ Cao Niên tại Hội chợ Tết Sinh Viên nhân mùa Xuân Hy Vọng, không ngoài mục đích “uống nước nhớ nguồn”…

Kính mong được quí vị đồng hương tham dự đông đảo và cổ võ cho việc làm ý nghĩa này. 

Trân trọng cám ơn toàn thể quí vị.