SMCĐ - là người "nẫu" chính gốc đây mà sao đọc bài này không thấy mình trong đó ngoài 4 chữ "Qui Nhơn", "Bình Định". Trời quơi, mất gốc rồi! :-)


Thanh Tú/Người Việt, 8-6-2012

Ðể khoanh vùng xứ Nẫu cũng là một chuyện không đơn giản gì. Vì dân xứ Nẫu thường đi xa làm ăn, hoặc tha phương cầu thực rồi định cư tại nơi đó luôn.

nau01

Ðể xây nhà, người dân ở nơi này phải vác vật liệu xây dựng băng qua những đồi cát. Ấy vậy nên để làm được một căn nhà tốn rất nhiều tiền của. (Hình: Thanh Tú/Người Việt)

Trong lịch sử đã ghi nhận rất nhiều những chiếc ghe bầu, một loại thuyền đặc trưng của dân Nẫu khi đi buôn bán ở Gia Ðịnh, Ðồng Nai và không ít trong số đó đã định cư tại miền lục tỉnh. Bên cạnh đó, vùng cao nguyên Trung phần một số địa danh như Daklak, Gia Lai, Kon-tum cũng có rất nhiều người dân Nẫu di cư lên đó làm ăn rồi định cư ở tại nơi ấy.

Người Bình Ðịnh, Phú Yên nói những chất giọng đặc trưng của vùng Nẫu. Có những câu vừa nghe là nhớ như là: “Dzô Nhe Treng đến cầu Hè Re en chẻ cé uống ly trè đé.” (Vô Nha Trang đến cầu Hà Ra ăn chả cá uống ly trà đá.)

Song, cái mà ấn tượng, đọng lại trong tôi khi nghĩ về vùng đất Nẫu này vẫn là qua những câu ca, lời nhạc. Bài hát dân ca “Trách phận” do chính nhạc sỹ Phan Bá Chức ký âm theo điệu Xuân Nữ được thể hiện bởi giọng ca đặc biệt của nghệ sỹ hài Hoài Linh đến nay vẫn chưa ai có thể qua mặt.

Mỗi lần nghe bản nhạc này, ai nấy cũng đều mang Hoài Linh ra để nghe. Có lẽ bởi vì thế mà, bài hát “Trách phận” được một số người gọi luôn là bài Nẫu ca.

Nẫu là một đại từ nhân xưng khi để chỉ về một người, một nhóm người thay vì dùng “nó,” “người đó” thì dân vùng này gọi là “Nẫu.”

Ngoài việc sử dụng Nẫu như là một đại từ nhân xưng thì Nẫu còn được chỉ như là một vùng địa danh. Mỗi khi nói, người đó dân xứ Nẫu, đi về Nẫu là mọi người tự biết đang nói về vùng đất thuộc huyện Vạn Ninh cho đến hết tỉnh Bình Ðịnh.

Về xứ Nẫu

Tôi đã nhiều lần đi qua vùng đất này nhưng số lần mà ghé lại hoặc trú ngự lâu thì rất ít khi.

Nhân dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương, một người bạn của tôi rủ về quê nội của anh ta để chơi. Ðó là vùng đất nằm giáp với thành phố Quy Nhơn của tỉnh Bình Ðịnh, chỉ cách có nửa giờ đi xe máy. Ðịa danh đó thuộc thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên. Tôi chẳng có gì để mà từ chối vì tôi vốn là người theo chủ nghĩa dịch chuyển và cũng muốn bồi bổ cho cái tầm nhìn hạn hẹp của mình.

Quê nội của bạn tôi là một vùng cát nắng. Cái nắng ở xứ này có khi chẳng thua gì vùng đất Phan Rang-Tháp Chàm. Xung quanh tứ bề đều là cát và cát. Mỗi cơn gió thổi qua mang theo biết bao nhiêu là cát. Cát luôn luôn dịch chuyển, thế nên, những đồi cát hôm nay còn thấy đấy, nhưng năm sau chẳng biết nó đi nơi nào.

Nó làm tôi nhớ đến một tác phẩm văn học của nhà văn Ðào thị Thanh Tuyền “Con đường xẻ cát” để nói về những người dân sống trong vùng toàn cát thuộc huyện Vạn Ninh. Nhà cửa, hoa màu của những họ bị cát thổi làm lấp luôn cả vào trong. Có những ngôi nhà mà chỉ sau vài năm chẳng còn thấy đâu. Ở đây không nghiêm trọng đến như vậy song, mức độ ảnh hưởng có lẽ cũng chẳng thua.

nau02

Ngôi chợ nhỏ của người dân vùng biển Xuân Hải. Ðó là nơi mà người dân trong vùng trao đổi hàng hóa, tìm mua cho mình những con cá tươi ngon cho bữa ăn gia đình. (Hình: Thanh Tú/Người Việt)

Có một điều rất lạ mà tôi luôn thắc mắc cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Nếu xét về phương ngữ thì giọng nói vùng từ Quảng Nam đổ vào trong sẽ giảm dần độ nặng. Thế nhưng, vùng đất Bình Ðịnh lại có giọng nói nhẹ hơn rất nhiều so với giọng nói của vùng Phú Yên. Có những người bạn ở vùng Phú Yên họ nói nặng đến nỗi mà tôi phải cố mới có thể hiểu họ nói gì. Còn ở Bình Ðịnh thì lại khác, tôi hiểu hoàn toàn, chất giọng nhẹ hơn. Như ở Sông Cầu, giọng nói lại nhẹ hơn nếu đi vào trong ngay ở ngã ba Phú Lâm. Vùng đấy, người dân nói giọng Nẫu rất khô ráp, khó nghe.

Quê nội của bạn tôi nằm ở xã Thọ Lộc nhưng lại có người quen ở xã Xuân Hải của huyện Sông Cầu-Phú Yên nên tôi lại được dịp lân la từ chỗ này sang chỗ khác. Ấy là cái may cho tôi, vì xã Thọ Lộc nằm khuất sau những đồi cát, còn Xuân Hải là một xã nằm ven biển. Nhờ đó mà tôi biết được đời sống của người dân vùng biển và trong đất liền.

Tôi đã từng đi qua vùng Quảng Bình, đó cũng là vùng đất toàn cát, đời sống người dân cũng cực khổ. Song nó lại được trau chuốt bởi cái vẻ bên ngoài do nguồn ngoại tệ từ những người xuất khẩu lao động nước ngoài gửi về để xây dựng những ngôi nhà to đùng như những dinh thự. Còn vùng đất này, dường như ưu đãi để được đi xuất khẩu lao động không có, thành ra nhà cửa cũng chỉ thấp lè tè. Hoặc cũng có thể bởi vì do dân trong Nam hiền lành, chẳng thể trở thành một tay anh chị để trở thành một tay “trồng cỏ”(trồng Cần Sa) như những dân xứ Bắc.

Tuy thế, trong những năm trở lại đây, ngay tại huyện Sông Cầu này đã được thành lập một khu công nghiệp, nó đã tạo công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho một bộ phận không nhỏ cư dân ở đây. Ði trên một chặng đường dài chỉ thấp thoáng vài ngôi nhà ven đường nằm gần khu công nghiệp mới được thành lập.

Anh Ðoan, một người sửa xe Honda kiêm luôn xe ôm mỗi khi có khách, có thời gian học nghề và làm việc ở Sài Gòn nói với tôi:

Hầu như nhà nào cũng có người làm trong xưởng gỗ. Thu nhập chủ yếu là nhờ vào những xưởng này, vì ở đây đâu có biết làm gì đâu.

Xưởng gỗ mà anh Ðoan nói chính là những nhà máy chế biến gỗ nằm ở khu công nghiệp, làm ra những bộ bàn ghế bằng ván ép. Mang tiếng là khu công nghiệp nhưng thực chất các nhà máy ở đây chủ yếu là về gỗ. Lương thu nhập của mỗi công nhân trung bình khoảng hơn 2 triệu.

Ấy cũng là vừa đủ để cho một người dân trong một vùng đất này chi tiêu, nơi mà dù có muốn tiêu xài cũng khó. Anh Ðoan hơn nhiều người khác trong vùng, anh là một người tiết kiệm, cần cù. Mỗi ngày anh kiếm được khoảng 50-60 ngàn (khoảng hơn 2$) nhờ vào việc sửa xe Honda, với anh, chỉ cần bấy nhiêu là có thể nuôi được gia đình vì vợ anh cũng đi làm cho xưởng gỗ. Anh thoải mái vì anh là người làm tự do, không bị bó buộc làm trong các xưởng để phải tù túng về thời gian.

Xã Thọ Lộc là một xã nghèo, đó là theo tôi nhận xét. Vì nếu căn cứ vào cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phương tiện đi lại, giải trí là cho chúng ta nhận thấy được điều đó. Người dân ở đây chẳng biết làm gì. Vùng đất cát khô cằn chẳng thể trồng được cây gì ngoài cây điều(đào) lộn hột. Mà điều lộn chỉ có thu hoạch vào mùa hè nhưng sản lượng và lợi nhuận chẳng đáng là bao. Ấy vậy mà khắp cả xã Thọ Lộc khắp nơi đều toàn là điều lộn hột. Gia đình của bạn tôi may mắn, từ tháng 4, 1975 chạy loạn bồng bế nhau vào vùng đất Cam Ranh để định cư, rồi từ đấy mà có của ăn của để, sau đó quay về giúp đỡ gia đình.

Bạn tôi kể, cách đây chỉ khoảng 5 năm trước, nhà nội anh ta chẳng có nổi một cái toilet cho đàng hoàng, mỗi lần “Tào Tháo” rượt chỉ biết chạy ra vườn điều lộn hột sau nhà, cả nam lão phụ ấu đều như nhau. Ấy vậy mà đó lại là cái thú. Nhiều người trong họ lại thích ngồi trên cành đào và vui vẻ “hát” với gió mây. Ðó là nhà nội bạn tôi thuộc loại khá giả, có căn nhà xây bằng đá rửa to nhất vùng. Dù yêu quê lắm nhưng mỗi lần về quê là một cực hình với anh. 

nau03

Người phụ nữ này đang vá lại mảnh lưới để kịp cho chồng chuyến đi biển đêm. (Hình: Thanh Tú/Người Việt)

Ở vùng này lưa thưa vài quán café và quán nào cũng như quán nào đều có sân khấu để mọi người “hát với nhau nghe” mỗi đêm. Buổi tối dân vùng này chẳng biết làm gì ngoài việc đến những tụ điểm để mà “tra tấn” lẫn nhau.

Chẳng hiểu sao tôi lại mê lắm sự bình yên của vùng đất này. Ngôi làng nhỏ nằm cạnh đầm Cù Mông, phía bên kia là đèo Cù Mông khúc khuỷu. Nó làm tôi gợi nhớ về những dĩ vãng xa xưa khi từng bước chân của những ông Ba Bị đi vào Nam - nơi có những người Chàm cư trú. Chính họ đã một phần làm nên một Việt Nam mà chúng ta thấy trên bản đồ ngày nay.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=150078&;zoneid=310