Ngọc Lan/Người Việt, 1/10/2015

WESTMINSTER, California (NV) – “Ông đánh tôi từ lúc tôi mang bầu tháng thứ nhất đến tháng thứ chín luôn. Sau này mấy đứa con lớn lên, tụi nó chứng kiến cảnh ba nó đánh chửi má nó mỗi ngày như cơm bữa, suốt 25 năm,” bà Quyên Ngô, 68 tuổi, cư dân Anaheim, nhớ lại.

Một người khác, cô Nhung Lê, 35 tuổi, tâm sự, “Sau lần anh đánh tôi lúc tôi đang có bầu hơn năm tháng, bị bệnh viện báo cảnh sát bắt, đến giờ, chồng tôi không dám đánh tôi nữa nhưng anh hành hạ tôi bằng cách khác, bằng những lần đi ngoại tình với hết người này đến người khác.”

Trên đây là hai trong số nhiều câu chuyện buồn mà tôi được nghe những người phụ nữ kể về những gì họ từng trải qua, hay đang hứng chịu, về một nghịch cảnh mà người ta gọi là bạo hành gia đình.

Bạo hành gia đình là một trong những vấn nạn của xã hội, xảy ra ở mọi quốc gia, bất kể nền văn hóa và trình độ học vấn, bất kể tôn giáo và cũng không ngoại lệ giàu hay nghèo.

Thế nhưng, vấn đề là tại sao nhiều phụ nữ vẫn “chấp nhận” làm nạn nhân của việc bị hành hạ tinh thần và thể xác? Các luật sư, chuyên viên tâm lý nói gì về hiện tượng này? Và khi nạn nhân ý thức được mình đang bị bạo hành, họ muốn thoát ra khỏi nghịch cảnh đó, thì họ sẽ phải làm gì, ai sẽ là người giúp họ?

Đó là nội dung mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong loạt phóng sự liên quan đến vấn đề phụ nữ bị bạo hành.

Do tính nhạy cảm và sự riêng tư của đề tài, xin phép không dùng tên thật của các nạn nhân được nhắc đến trong những bài viết dưới đây.

Nạn nhân của nạn bạo hành - không chừa một ai (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nạn nhân của nạn bạo hành – không chừa một ai

Theo thống kê quốc gia, tại Mỹ, cứ mỗi chín giây là có một phụ nữ bị hành hung, đánh đập.

Trung bình, mỗi phút có khoảng 20 người bạn tình (người phối ngẫu hoặc người yêu) tấn công bằng vụ lực.

Mỗi ngày, có trên 20,000 cú điện thoại gọi đến các đường dây nóng để cầu cứu vì bị bạo hành.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 24 chiếm phần lớn trong số người bị bạn tình bạo hành.

Ở California, 80% nạn nhân bị bạo hành là phụ nữ.

Theo khảo sát mới nhất của NIPSVS (National Intimate Partner & Sexual Violence Survey), 32.9% phụ nữ sống ở California có ít nhất vài lần trong đời, là nạn nhân của bạo hành, bạo hành tình dục hoặc bị bạn tình tấn công. Có khoảng 4.5 triệu phụ nữ ở California từng trải qua kinh nghiệm bạo hành gia đình trong đời.

Số liệu là vậy, thống kê là thế, nhưng có phải bất kỳ nạn nhân nào của bạo hành gia đình cũng ý thức được rằng mình là nạn nhân không? Và nạn nhân của bạo hành có phải chỉ là những người có trình độ văn hóa thấp, phải sống lệ thuộc người phối ngẫu hay bạn tình không?

Câu trả lời là không.

Những phụ nữ là nạn nhân của sự ngược đãi có thể chỉ mới mười tám đôi mươi đến bảy mươi, tám mươi. Có thể họ chỉ mới bập bẹ biết đánh vần như một đứa học trò lớp một lớp hai, đến người có bằng cao học, tiến sĩ. Họ có thể là người nội trợ, cũng có khi họ là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Bạo hành gia đình không phân biệt bất kỳ ai. Và người ta có nhiều lý do để chấp nhận làm nạn nhân của nhiều sự hành hạ.

Chấp nhận bị bạo hành vì nghĩ “mọi chuyện là do Chúa sắp đặt”

Nhìn người phụ nữ luôn nở nụ cười trên môi, tất bật với công việc kinh doanh đang hồi ăn nên làm ra, khách khứa ra vào nườm nượp, thật khó để nghĩ bà từng là nạn nhân của chuyện bị chồng đánh đập, chửi bới bằng những lời “tục tĩu kinh khủng” trong suốt 25 năm.

Bà Quyên Ngô nhớ “lần đầu bị đánh tôi còn không biết mình tội gì!”

Bà kể bà gặp người đàn ông mà bà gật đầu làm vợ chỉ sau… hai tuần gặp gỡ trong một hoàn cảnh khá éo le.

“Khi đó ông vừa mới thất tình, thuê nhà ở tầng trệt. Tôi thì chồng chết, bồng đứa con nhỏ, cùng đứa em, dắt theo đứa cháu vượt biên sang Mỹ. Mới sang được hai tuần, ở trọ cùng gia đình ông anh ở tầng trên, thì bà chị dâu đuổi ra khỏi nhà vì cho rằng tôi ăn bám. Không biết đi đâu, ở đâu, làm gì, thì tự dưng nghe ông đề nghị cưới tôi.”

Không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác trong hoàn cảnh chân ướt chân ráo như thế, bà Quyên gật đầu.

“Ông cưới tôi cũng là bảo bọc luôn cả bầu đàn con tôi, em tôi và cháu tôi. Chính vì điều đó mà tôi mang ơn ông. Nhưng bù lại, thay vì dự tính đi học, thì tôi phải ra sức làm chúi đầu chúi cổ để phụ ông kiếm tiền,” bà tâm sự.

Chính từ cái ơn đó, cùng với suy nghĩ của một người theo Công Giáo, bà Quyên đã cúc cung tận tụy cùng chồng gầy dựng sự nghiệp. Nhưng, như bà nói “cưới tôi rồi nhưng ông vẫn lăng nhăng nay người này mai người kia và nghiện bài bạc.”

Những câu chửi bới thô tục cùng những cái tát tai đầu tiên mà bà Quyên nhận được cũng khởi nguồn từ chỗ bà nói “ông ăn chơi thì cũng chừa lại chút tiền khi túng hụt. Vì tiệm bán được vậy mà có lúc không có tiền đóng tiền nhà.”

Bà Quyên kể, “Sau những câu chửi bới thô tục, những cái tát tai đầu tiên, thì ông năn nỉ, nói không có lần sau nữa. Thế là tôi bỏ qua.”

Tuy nhiên, những trận đòn mà bà Quyên phải hứng chịu ở lần sau luôn nặng hơn lần trước. “Lúc đầu là đánh bằng tay, sau đánh thêm bằng chân, rồi đến đánh bằng cây. Lần đánh bằng cây tôi những tưởng tôi chết rồi. Tôi đi bác sĩ gia đình, cả người bầm dập, bà bác sĩ nói tôi không gãy xương cũng là chuyện lạ.”

Bà Quyên nhớ “có lần ổng đấm thẳng vào mắt tôi, tưởng là mù luôn rồi. Phải mất ba tháng mới hết.”

Bà nói “một tháng 30 ngày, tôi bị đòn phải đến 29 ngày.” Nhưng “chưa bao giờ tôi kêu cảnh sát, mà chỉ có hàng xóm gọi thôi.” Khi những đứa con của bà lớn lên, ngoài chuyện chứng kiến cảnh ông đánh chửi bà, thì “bản thân tụi nó cũng bị đòn te tua.” Nhưng điều quan trọng là bà Quyên “cấm không cho bất kỳ đứa con nào được báo cảnh sát.”

“Không chỉ đánh ở nhà, mà cả ở ngoài tiệm ông cũng đánh tôi, người làm can không biết bao nhiêu bận. Tôi chịu những trận đòn, những lời mắng chửi của ông cả 25 năm, cho đến lúc ly dị xong,” bà nhớ lại.

Cũng theo người phụ nữ gầy gò này, thì “có những lúc bác sĩ gia đình thấy mình mẩy tôi thương tích, bầm dập quá cũng muốn gọi cảnh sát nhưng tôi năn nỉ nói tôi người Công Giáo, nếu kêu cảnh sát rồi chia tay, mỗi người đi mỗi nơi còn đỡ, chứ nếu vẫn ở chung nhà gặp mặt nhau kỳ lắm.”

Nghe bà kể, tôi không thể không thốt lên câu hỏi,“Tại sao bà lại có thể chấp nhận như vậy? Không kể với bất kỳ ai nghe để tìm một sự an ủi hay nương tựa?”

Người đàn bà sắp đến tuổi 70 từ tốn trả lời, “Tôi nghĩ nếu mình làm to chuyện thì xấu hổ gia đình, anh em, rồi gia đình tôi thù ông nữa nên tôi đâu dám nói gì. Không ai biết hết. Chỉ có mấy đứa con biết. Bản thân tụi nó cũng bị đòn. Nhưng tôi nghĩ mọi chuyện là do Chúa sắp đặt. Tôi chỉ biết đặt hết niềm tin vào Chúa. Ngày nào tôi cũng cầu nguyện Chúa cho sống sót để nuôi con. Còn ai làm sai thì sẽ bị Chúa trừng phạt.”

Chấp nhận bị bạo hành vì... “sợ con không có cha”

Cô Nhung Lê định cư ở Mỹ được năm năm, đang sống ở Garden Grove, nói về lý do khiến cô tiếp tục là nạn nhân của sự ngược đãi.

Bạo hành (Tranh mimh họa: Họa sĩ Nguyễn Thanh Vân/Người Việt)

Theo lời cô, tất cả nguyên nhân khiến chồng cô chửi bới, “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với cô “đều liên quan đến thói trăng hoa của anh ta.”
Cô kể, “Tôi quen anh khi tôi mới 20 tuổi, khi còn ở Việt Nam. Ngay thời gian đó, anh ta cũng đã đánh tôi rất nhiều lần. Mấy năm sau vì thói trăng hoa của anh ta mà chúng tôi chia tay.”

Tuy nhiên, bẵng đi nhiều năm, người yêu cũ từ Mỹ trở về Việt Nam, Nhung và anh ta nối lại tình xưa.

“Tôi muốn nói như thế để thấy rằng tôi bị bạo hành từ xưa rồi, nhưng mà tôi vẫn ngu vẫn đâm đầu đi yêu và cưới một người như vậy. Tôi cũng chẳng hiểu nổi tôi nữa,” người phụ nữ đang là mẹ của hai con nhỏ, bật khóc.

Ngỡ rằng sang Mỹ là “thiên đường” nhưng như Nhung tâm sự “ngay tại cái thiên đường ấy có một địa ngục đang chờ tôi.”

Nhung cho biết cô “không được đi học lái xe, không được đi học tiếng Anh, không được có bạn bè.”

“Xin đi học thì bị mắng vô mặt là 'mới qua mà muốn đàng đúm hả?' Bước chân ra đường mà muốn ăn món gì khác ngoài phở là bị chồng có thái độ ngay. Thói quen xức nước hoa của tôi cũng phải từ bỏ nếu không muốn bị anh hét vô mặt là nước hoa làm anh bị dị ứng,” cô kể.

Cô tâm sự, “Tôi biết chuyện gì cũng từ từ giải quyết nên ráng nhịn. Nhưng khi đến khi tôi có bầu hơn năm tháng, chưa xin được bảo hiểm đi sanh, vì tôi chưa có đủ giấy tờ, mới sang mà, chỉ mới có giấy kết hôn thôi. Sợ không có tiền đi sanh, anh ta đuổi tôi về Việt Nam sanh.”

Với lý do “bụng mang dạ chửa nặng nề” cô không chấp nhận đề nghị của chồng. “Thế là gây gỗ.”

Người phụ nữ trẻ kể về trận đòn đầu tiên trên đất Mỹ, khi cô đang mang thai hơn năm tháng, trong tiếng khóc nghẹn, “Anh ta lấy cái laptop nhỏ tôi dùng để nghe những lời giảng của Chúa, đập xuống đất. Tôi đưa tay đỡ nên té từ trên giường xuống, thế là anh ta lấy chân đá liên tiếp lên bụng, lên đầu tôi, lên người tôi. Tôi đau khổ, đau đớn, đau bụng. Tôi lết ra ngoài để cầu cứu người ta, thì thấy anh ta ở đó, cản không cho tôi đi. Khi tôi la lên đau quá thì anh ta mới chở tôi vào bệnh viện. Bác sĩ giữ lại không cho về vì tử cung tôi cứ co thắt, cái thai muốn ra trong khi mới có hơn năm tháng. Ngày hôm đó là ngày Lễ Tình Nhân (Valentine's Day).”

“Khi người ta thay quần áo cho tôi bằng đồ bệnh viện, mặc dù tôi không nói gì, chỉ khóc thôi, họ thấy người tôi bầm tím, họ gọi cảnh sát đến chụp hình, kêu nhân viên sở xã hội vô kêu tôi khai đi, nói đi, họ sẽ bảo vệ tôi. Nhưng tôi không nỡ, mình đàn bà Việt Nam mà. Nói gì thì nói không có tình cũng có nghĩa, ai mà không có lỗi lầm, không người nào mà không có lỗi lầm, tôi nghĩ như vậy để mà cho anh ta cơ hội để sửa chữa để quay về với gia đình. Tôi sợ con tôi đẻ ra không có cha,” tiếng khóc không ngừng theo lời kể của cô Nhung.

Theo lời cô, sau lần bị cảnh sát bắt đó, và cô xin “bãi nại,” chồng cô không đánh cô nữa, nhưng “anh ta hành hạ tôi bằng cách khác, bằng những lần đi ngoại tình với hết người này đến người khác.”

Cô kể bằng giọng chua chát, “Có ai mà mang bầu gần đến ngày sanh mà vẫn phải cho chồng quan hệ tình dục để chồng thỏa mãn không phải đi ra đường lăng nhăng không? Đến mức vậy mà anh ta vẫn nhắn tin đi ngủ với người khác. Khi đó tôi có bầu tám tháng rưỡi. Hỏi sao anh làm như vậy thì anh nói rằng 'chỉ muốn thay đổi không khí thôi.'”

Thừa nhận rằng có “quá nhiều vết thẹo trong tim” và “cũng nhiều lần muốn ly dị trong êm thắm” nhưng, cô Nhung cũng như bao nhiêu nạn nhân bị bạo hành khác, lại tiếp tục rơi vào vòng lẩn quẩn bởi “những chiêu thức” được chồng mang ra áp dụng.

“Những chiêu thức cũ mèm lại được anh đem ra sử dụng mà nó vẫn có hiệu quả mới lạ. Nói gì thì tôi cũng là đàn bà, ngoài cứng vậy đó, hung dữ vậy đó nhưng bên trong lòng mềm như cọng bún khi thấy anh lăng xăng chơi với con, phụ vợ rửa cái chén... Nhìn nụ cười của tụi nhỏ là bao nhiêu thù hận, giận hờn tan biến hết, thế là đâu lại vào đó,” cô nói trong tiếng thở dài.

(Kỳ 2: Chuyên viên tâm lý, luật sư nói gì về những nạn nhân bị bạo hành? Khi nào thì những nạn nhân mới nhận thức được hoàn cảnh của mình để tìm đường thoát ra?)
-----
Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=215245&zoneid=430
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Kỳ 2: Vì sao có chồng “thích” ngược đãi vợ và vợ chấp nhận bị bạo hành?
Ngọc Lan/Người Việt, Friday, October 2, 2015 6:37:48 PM

WESTMINSTER, California (NV) – Bà Leslie Morgan Steiner, một nhà văn, một người cổ vũ cho việc lên tiếng chống lại tình trạng bạo hành gia đình tại Hoa Kỳ, chính là người đã trải qua nhiều năm sống trong cảnh bị ngược đãi, hành hạ, và không biết bao nhiêu lần bà bị người yêu kê súng vào đầu dọa giết.

Thế mà, vào thời điểm đó, bà đã không bỏ đi. Tại sao vậy? “Rất đơn giản: Tôi không biết anh ta đang bạo hành tôi. Thậm chí khi anh ta chĩa súng vào đầu tôi, đẩy tôi xuống sàn, dọa giết hết những con chó tôi yêu thương, đổ cà phê lên đầu tôi khi tôi đang mặc bộ đồ chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn quan trọng, tôi vẫn không hề nghĩ rằng mình bị hành hạ,” nhà văn Steiner trả lời.

Điều đáng nói ở đây là bà Steiner, vào những ngày tháng đó, là một cô gái tốt nghiệp cử nhân văn chương đại học Harvard, có bằng quản trị kinh doanh trường Wharton của đại học UPenn nổi tiếng ở Pennsylvania.

Như đã phân tích ở bài trước, bạo hành không chừa bất kỳ ai. Nhưng vì sao lại có những người chồng “thích” đánh đập, chửi bới vợ? Vì sao lại có những người vợ cứ chấp nhận cuộc sống địa ngục như thế mà không mạnh dạn bước ra?

Những vấn đề trên được Tiến Sĩ Tâm Lý Trị Liệu Lâm Sàng Suzie Matsuda, chuyên viên chẩn định và trị lieu tâm bệnh thuộc Sở Y Tế Los Angeles, và Luật Sư Vi Katerina Trần, đang làm việc cho một văn phòng luật ở San Jose, chia sẻ, phân tích dưới góc nhìn của những người chuyên môn từng làm việc với nạn nhân của bạo hành.

Luật Sư Vi Katerina Trần (Hình: Vi K. Trần cung cấp)

Vì sao lại có những người chồng “thích” đánh đập, chửi bới vợ?

Bà Matsuda cho rằng có ba yếu tố chính đưa đến hành động này.

"Đầu tiên, người bạo hành người khác, phần nhiều, đã nhìn thấy những gương bạo hành trong gia đình hoặc chính họ là người bị bạo hành. Vì thế, theo năm tháng, những trải nghiệm này trở thành một phần của cách sống, cách nhìn của họ," bà giải thích.

“Yếu tố thứ hai là xã hội chấp nhận chuyện gia đình bạo hành lẫn nhau,” bà nói tiếp.

Điều này được nhìn thấy rõ từ những người lớn lên ở Việt Nam, nơi mà việc chồng đánh vợ được xem như là chuyện riêng của gia đình và không mấy ai muốn can thiệp vào, trừ phi có giết người đổ máu.

Yếu tố thứ ba là vấn đề luật pháp.

Bà phân tích, “Nghiên cứu cho thấy có những người quen bạo hành ở nơi họ sinh sống, nhưng khi sang Hoa Kỳ, chỉ cần đánh vợ mà bị cảnh sát đưa đi tù một lần thôi thì sau đó sẽ không có chuyện đánh đập nữa. Nhưng buồn hơn là không bị đánh đập nhưng họ bị chửi, bị nhục mạ, bị coi họ như cái bàn cái ghế chứ không phải con người.”

Ngoài ba yếu tố làm cho người ta ngược đãi người khác như vừa kể trên, “còn có yếu tố thuộc về tâm bệnh. Nghĩa là đây chính là người có những khủng hoảng tâm lý, từng bị bạo hành trong quá khứ, nên cách mà họ học được, thấy được, quen được là giận cá chém thớt,” bà nói.

Bạo hành không có sự thuyên giảm theo thời gian

Trong cái nhìn của một người tiếp xúc nhiều với nạn nhân bị hành hạ, ngược đãi, Tiến Sĩ Matsuda cho rằng, “Bạo hành đi theo một chu kỳ. Tức có những trường hợp, người chồng bị bực bội, có sự bức xúc nào đó mà họ không giải quyết được thì cho dù người vợ có làm đúng hay không làm đúng đi nữa cũng bị ông ta bạo hành.”

“Cũng trong chu kỳ đó, sau khi đánh đập, hành hạ xong thì người chồng có lúc cũng cảm thấy tội lỗi, thấy mình làm điều đó không đúng, họ biết xin lỗi, mua quà, mua hoa tặng vợ như một kiểu ăn năn. Trong tình cảnh đó, người vợ thường tha thứ cho chồng. Nhưng tới một lúc khác, khi cơn của họ lên thì người chồng lại chửi bới, hành hung người vợ trở lại, tức là một cái vòng lẩn quẩn như vậy,” bà phân tích tiếp.

uy nhiên, nghiên cứu cho thấy một thực trạng đáng buồn, đó là khi một ai đó đã nằm trong trường hợp bạo hành, thì mức độ bạo hành chỉ ngày càng nguy hiểm hơn chứ không hề giảm đi, và chu kỳ bạo hành ngày càng nhanh hơn, nhiều hơn.

Bà Matsuda nhớ lại, “Trước đây tôi có một bệnh nhân từng là một cô giáo dạy Toán. Chồng chị cũng là thầy giáo. Chị bị đánh ngay sau ngày đám cưới ở Việt Nam. Bị đánh đến độ khi đến gặp tôi, chị đã mang bệnh ‘khủng hoảng hậu chấn thương’ tức là những người dễ trở nên hồi hộp lo sợ một cách bất thường, giấc ngủ của họ không được bình an, hay thấy ác mộng và không thể tập trung, ngay cả khi tôi hỏi 2 cộng 2 là mấy chị cũng không biết, tức não trạng chị ở trong tình trạng khủng hoảng và bất thường trầm trọng.”

Theo lời kể, khi sang Mỹ, chị vẫn bị chồng đánh đập đến mức hai đứa con trai phải xúi chị trốn vào ngày mà ba nó xách dao định đâm chị. Chị đã phải chạy trốn sang tiểu bang California và sống dựa vào sự giúp đỡ của các tổ chức bảo vệ người bị bạo hành.

Luật Sư Vi Katerina thì nhắc đến một thân chủ mà cô từng đại diện.

“Chị này tốt nghiệp đại học ở Mỹ, đi làm cho quận hạt. Chị lấy chồng 23 năm. Theo lời chị kể thì lúc đầu chồng chị có tính gia trưởng thôi. Nhưng từ khi ông bị mất việc, ở nhà, chị trở thành lao động chính thì ông chồng lại trở thành người bạo hành chị. Những năm đầu ông chỉ chửi bới, la mắng, cho đến một ngày ông ta uống rượu, và cầm dao rượt chị. Chị và con trai trốn trong phòng, ông ta đâm hơn 20 nhát dao vô cửa. Đó là biểu hiện của một sự tức giận quá độ. Và đó cũng cho thấy mức độ ngược đãi của ông càng lúc càng tang," vị luật sư kể.

Nạn nhân thường là người bị cô lập

Cả Luật Sư Vi Katerina lẫn Tiến Sĩ Matsuda đều cho rằng: Dấu hiệu dễ nhìn thấy nhất ở người chồng có “thói” bạo hành là không muốn người vợ tiếp xúc với ai hết. Thế nên những nạn nhân này thường bị cô lập.

Cô Vi Katerina giải thích, “Điểm chung nhất là người phụ nữ bị bạo hành thường coi người chồng là điểm tựa lớn nhất của họ, chiếm phần lớn thời gian của họ, và cuộc sống của họ trông chờ vô chồng nhiều lắm. Họ không có bạn bè thân riêng, họ không có mối quan hệ rộng ở ngoài, họ chỉ có gia đình, và người chồng mà thôi. Thành ra khi bị ngược đãi, họ không kiếm được ai để tâm sự hay kể lể gì hết.”

Luật Sư Vi Katerina chia sẻ thêm: “Những trường hợp bị ngược đãi mà tôi từng gặp thì người lớn nhất khoảng 60 tuổi, nhỏ nhất khoảng 20 tuổi. Người nhỏ tuổi là người mới qua, mới lấy chồng Việt kiều cũng dễ bị trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình.”

Theo cô, “Nhiều người đàn ông lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mới sang, lợi dụng tâm lý người Việt Nam xem chuyện chồng đánh vợ là bình thường, nhất là người ở quê hay xa thành phố, để về Việt Nam cưới vợ với mục đích có thể điều khiển, khống chế được.”

“Với suy nghĩ như thế, khi sang đây, người chồng không cho vợ đi học tiếng Anh, không cho đi học lái xe; nếu cho học nghề thì thường là nghề làm nail và họ sẽ dùng người than, người nhà của họ để đưa đi. Khi người vợ đi làm, có sự trao đổi, tiếp xúc bên ngoài, nếu người chồng bắt đầu thấy có những điều họ không thích thì họ dễ đánh vợ. Người vợ được bảo lãnh sang thường không có gia đình, hoặc ít bạn bè, nên cũng khó kiếm được sự giúp đỡ,” Luật Sư Vi phân tích.

Tiến Sĩ Tâm Lý Suzie Matsuda (Hình: Xuyến Đông cung cấp)

Tâm lý chấp nhận hay buông xuôi của nạn nhân

Một phân tích tâm lý mà Tiến Sĩ Matsuda đưa ra khiến người ta cảm thấy đau đớn, đó là, “Khi mình đánh một con vật thì nó chạy trốn. Nhưng khi mình đánh nó nhiều quá thì nó đứng tại chỗ cho mình đánh luôn, vì nó không còn khả năng tự vệ nữa, nó coi như bỏ cuộc, đầu hàng luôn để mình tha hồ muốn làm gì làm. Thì có nhiều nạn nhân đi vào tình trạng đó.”

Và để trả lời cho câu hỏi mà người ngoài cuộc hay đặt ra là, “Tại sao bị vậy mà không dứt ra được, không bỏ được, tại sao lại để cho bị đánh như vậy?” bà nói, “Mình không ở trong hoàn cảnh đó nên mình không hiểu được não trạng của nạn nhân. Bị bạo hành lâu quá họ mất hết sinh khí và mất cả ý chí để thoát khỏi môi trường như vậy.”

Bà Matsuda nhận xét, “Phải nhìn vấn đề qua lăng kính của nạn nhân chứ đừng đứng ở ngoài mà nhìn vào để nói phải làm thế này thế kia. Cho nên, những người chuyên môn sẽ giúp cho nạn nhân một kế hoạch trốn thoát an toàn, nếu trường hợp đó trở nên nguy hiểm. Nhưng chỉ có nạn nhân mới biết được lúc nào an toàn, lúc nào không an toàn để họ ra đi”.

Cũng theo bà, “Có khi người bạo hành chính là những người rất thiếu tự tin, nhưng họ không nói ra điều đó. Tuy nhiên, cách hành xử của họ dựa trên cái sợ trong tâm thức, và cái sợ đó đưa đến việc họ muốn kiểm soát người khác.”

“Với người bị ngược đãi, họ có thể là người từng chứng kiến cảnh đánh đập, chửi mắng trong gia đình, họ thấy chuyện này là bình thường. Đến khi lập gia đình, thấy chuyện tương tự như thế diễn ra, họ cũng cho là bình thường. Tức bạo hành là sự quen thuộc trong tiềm thức của họ, họ từng trải nghiệm với nó nên họ chịu đựng được lâu hơn, nhiều hơn,” bà Matsuda phân tích.

Trả lời cho câu hỏi, “Còn lý do gì để người phụ nữ chấp nhận mình là nạn nhân của chuyện bạo hành ngoài những yếu tố trên?” bà Matsuda đưa ra một số lý do, “Có khi do họ nghĩ con họ cần cha, họ không muốn sống trong một gia đình ly dị. Có khi nó thuộc về tâm lý vì bị lâu quá rồi nên cũng không dứt khoát để đi ra. Cũng có khi bị trầm cảm nặng quá nên họ không còn biết cách đối phó nữa. Cũng có khi do định kiến xã hội, họ không muốn mang tiếng bỏ chồng. Chưa kể vấn đề tôn giáo nữa.”

Cô Vi Katerina cũng cho biết khoảng một phần ba các trường hợp cô giải quyết là người vợ muốn hòa giải.

“Tôi nghĩ với một số người lớn tuổi thì họ mang tâm lý muốn giữ gia đình, không chấp nhận chuyện chia tay, họ nghiêng về tình cảm, muốn giữ tình cảm đó,” cô nói.

Cũng theo cô, “Văn hóa của người Việt Nam vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến với người Mỹ gốc Việt, nhất là với những người từ 35 tuổi trở lên, họ muốn gìn giữ gia đình, muốn hàn gắn, muốn sống cùng nhau, hơn là trở thành người độc lập, bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên cũng có những người kiếm được người nào khác thì họ vượt qua được.”

Với những trường hợp người vợ mới được đưa từ Việt Nam sang, Luật Sư Vi Katerina cho rằng “nếu có gây gỗ với chồng thì những người phụ nữ này cũng không biết nơi nào để đi, không biết ai để gọi cầu cứu vì tiếng Anh cũng không giỏi, người thân quen không có. Thậm chí có khi gọi về Việt Nam than thở thì người nhà còn khuyên 'thôi ráng chịu đựng.' Thành ra việc các cô gái trẻ là nạn nhân của sự ngược đãi cũng khá nhiều.”

Tuy nhiên, Tiến Sĩ Matsuda thừa nhận, “Hoa Kỳ là xã hội không chấp nhận bạo hành. Thế nên khi các bác sĩ nhìn thấy bệnh nhân của mình có những dấu hiệu, những triệu chứng của bạo hành là họ có quyền thông báo cho cảnh sát, cho các cơ quan chức năng để đến can thiệp ở gia đình đó. Luật California cho bác sĩ quyền đó, dù chỉ là nghi ngờ. Dĩ nhiên khi cảnh sát đến thì họ sẽ điều tra xem có đúng hay không đúng.”

“Vấn đề này càng nằm trong bóng tối chừng nào thì nạn nhân càng bị bạo hành chừng đó,” bà nói thêm.

Thực tế, phần lớn người Việt định cư tại Hoa Kỳ đều biết luật pháp, biết cấm đoán nạn bạo hành gia đình, tuy nhiên, chỉ có một số ít ý thức được rằng ai vi phạm sẽ bị truy tố ra tòa, bị án tù, bị ghi vào hồ sơ tư pháp hay có thể bị trục xuất nếu không có quốc tịch.

Một nghiên cứu của Giáo Sư Bùi Ngọc Hoàn thuộc trường đại học Tennessee ở Knoxville chỉ ra rằng, “Bạo hành gia đình không dành riêng cho một xã hội nào, tất cả mọi nơi trên thế giới đều có vấn nạn này kể cả Hoa Kỳ nơi sự can thiệp của chính quyền và của luật pháp được xem là rất tích cực và cương quyết từ 20 năm qua. Nhưng đối với người Việt di dân tại Mỹ thì nguyên do chủ yếu là vì nhiều người không biết luật pháp rất nghiêm khắc với người vi phạm.”

Theo ông, điều đáng quan tâm là mức bạo hành trong sắc dân gốc Á và Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ là 12.8%, thấp hơn so với người da trắng (21.3%), da đen (26.3%) và các sắc dân thiểu số khác mà nguyên do là vì các vụ bạo hành trong người gốc Á không được báo cáo đầy đủ cho chính quyền.

---
Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=215308&zoneid=430