Chu Tất Tiến, 6/2006

Kể từ cuối tháng 5, 2006 đến nay, dư luận cộng đồng vẫn không ngừng xao động về việc Tiến Sĩ Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh bị kỳ thị trắng trợn trong việc ký hợp đồng làm việc với Học Khu Westminster. 

Những người quan tâm đến sự kỳ thị này nhận được cả vài chục đến trăm điện thư, mỗi điện thư kèm theo một danh sách cả hàng trăm địa chỉ, và biết bao nhiêu hồi chuông điện thoại reo liên tục. Trong lần xuống đường ngày 15 tháng 6 vừa qua, ngoài những sự phẫn nộ của cộng đồng Việt, còn sự chia xẻ cay đắng của nguời Mỹ da đen, của cộng đồng Mễ Tây Cơ, của các em học sinh, của giới luật gia, truyền thông, báo chí.. 

Nhiều chương trình thầm lặng đang được tiến hành để đòi lại công bằng cho nạn nhân của sự kỳ thị. Nhiều vận động đang được thực hiện để chống lại những sự kỳ thị trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực chính đáng và cần thiết như thế, vẫn có lẻ tẻ đâu đây, vài ý hướng đi ngược lại đường lối chung của cộng đồng. Như một lá thư của một người họ L. (VB viết tắt), đã gửi đến những người quan tâm, với một kiểu nói của con cháu Lê Chiêu Thống, cấm không được làm phiền anh ta với những đề tài như thế này. 

Và một người họ C. (VB viết tắt) đã gửi thông tin thất thiệt đến một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị Học Khu để ngăn chặn không cho Tiến Sĩ Giáo Sư Kim Oanh nhận chức vụ Tổng Quản Trị... Những người này đã không cảm nhận thấy sự kỳ thị vẫn sôi sục đâu đây, dưới những hình thức khác nhau. Có thể những kỳ thị đó đang trầm lắng, nhưng sẽ nổi lên qua một tác động nào đó, một cơ hội nào đó. Một người da đen bị xích vào xe và lôi đi trên đường đến đứt đầu. Một kẻ không nhà bị tưới xăng vào người mà tẩm dầu đốt. Một anh da vàng bị đâm nhiều chục nhát dao. Cộng Đồng Việt Nam tại Lousiana bị bỏ rơi. Một Giáo Sư Việt Nam nổi tiếng, vừa nhận nhiệm vụ quan trọng cấp Liên Bang, bị tấn công tới tấp bằng văn thư, khiến phải từ chức. Riêng cá nhân người viết đã là nạn nhân của sự kỳ thị, hoặc đã chứng kiến sự kỳ thị bằng lời nói, bằng hành động rất nhiều lần. 

Năm 1968, khi còn là Sinh Viên Sĩ Quan theo học tại trường Sĩ Quan Lục Quân Hoa Kỳ, đã không biết bao lần người viết nghe các Sĩ quan huấn luyện viên hoặc các sinh viên khác nói lời nhục mạ Việt Nam: "Tao chán ghét cái bản mặt mấy thằng Việt Nam nhà mày!" Phản ứng của người viết và bạn bè đối với Sĩ Quan kỳ thị đó, hoặc là chơi đòn "lì" không đi học, không đứng dậy sau khi bị hít đất, gọi không nói hỏi không thưa, đòi về Việt Nam, chấp nhận ra Trung Sĩ... cho đến khi được xin lỗi mới thôi. Với mấy tay sinh viên Mỹ kỳ thị, là đánh nhau đổ máu, bằng tay hoặc bằng gậy, xẻng... 

(Lúc học ở Lackland Air Force Base, nghe một tên gốc Iran nói lời kỳ thị mất dậy, toán Việt Nam lẳng lặng chờ đến nửa đêm, bất ngờ đột nhập vào dẫy phòng ngủ của tụi kỳ thị, đấm đá tụi nó tơi bời hoa lá xong bỏ chạy mất tiêu. Ngày hôm sau, cả toán bị gọi lên chửi như điên, nhưng không bị phạt vì không có chứng cớ.) 

Thật sự, những kỳ thị lộ liễu lại đó không làm cho sinh viên Việt đau bằng kỳ thị ngầm với Mỹ đen. Người bạn cùng phòng của người viết là một anh sinh viên da đen. Anh này hiền lành, không "ba gai" như người viết, lại học giỏi hơn. Bài vở đều điểm cao, không hạng nhì thì ba. Cũng như những người da đen khác, hắn rất chăm chỉ, ngoan, và khỏe như trâu, chạy phăng phăng 12 dặm (hơn 19 cây số) với đầy đủ 30 "bao" vừa súng đạn, lều, xẻng, nước, đồ ăn... (Nhóm Sinh Viên Việt ta chỉ chạy chưa tới 10 dặm đã bò lê, bò càng, lết mãi mới tới địa điểm được. Có anh cố chạy bị vỡ xương ống quyển phải vào bệnh viện bó bột. Anh khác lại bị "sa đì", cũng nằm lại cả tháng, rồi chuyển xuống khóa sau, học tiếp.) Vậy mà, trong khi Việt nam ta ra trường thơ thới hân hoan, thì Robinson bị rớt! Nhìn thấy hắn ngồi khóc nức nở, mà lòng mình chùng xuống, và muốn khóc theo. Sự kỳ thị ngầm lúc này mới thể hiện rõ ràng. Một khóa học có 6 Trung Đội, mỗi Trung Đội 40 người, chỉ nhận khoảng 10 sinh viên da đen đủ tiêu chuẩn, rồi cho ra trường khoảng 3, 4 anh, còn lại thì đánh rớt hết! Trong phim ảnh, thường thấy da đen làm xếp, nhưng thực tế, số da đen leo cao rất ít, vì được tuyển rất ít.

Sự kỳ thị nằm ngay trong hệ thống giáo dục. Sau khi đến Mỹ dưới diện HO1, người viết ghi tên học lại ngay. Một hôm trong lớp English 100, sau khi đã nộp bài luận phê bình một câu chuyện ngắn, người viết giơ tay hỏi cô giáo: "Thưa Giáo Sư, thường thì các tác giả gửi một thông điệp tới người viết qua các câu chuyện ngắn. Còn chuyện này, tôi chẳng thấy có thông điệp gì cả. Chỉ là một đoạn tả cảnh người mẹ đang tắm rửa, chuẩn bị đi ngủ với một tên bồ trong xe hơi, dậy đứa con gái 12 tuổi cách làm tình. Thật là tầm bậy. Bà nghĩ sao?" Bà giáo nhìn tôi như nhìn quái vật, và nói thẳng: "Anh không phải là người bản xứ nói tiếng Mỹ, anh nên rút khỏi lớp này đi, nếu không, tôi sẽ cho anh rớt." Rồi bà lấy bài luận của người viết ra, không thèm đọc, phết luôn chữ "D" to tướng. Người viết mang bài luận ấy đi kiện Khoa Trưởng. Sau khi đọc bài luận, ông nói với người viết làm cho ông một lá đơn, ông sẽ đuổi ngay bà giáo này đi trong vòng 24 giờ. Về nhà, nghĩ lại thấy tội nghiệp, nên lại thôi không làm đơn nữa. 

Tại trường Cal State Dominguez, sau khi ghi tên học M.A. về Human Resources, đột nhiên nhận được "i-meo" của cô phụ tá Khoa Trưởng cho biết là "vì không viết rành tiếng Mỹ, nên không theo lớp này được!" Tự ái dân tộc nổi lên, người viết mang tất cả những bài nghiên cứu về nhân chủng học, về xã hội học đã được điểm A hồi trước, hai tập truyện phim, cùng với hai cuốn sách viết bằng tiếng Anh, giấy tờ chứng minh đang học MBA tại một trường khác, lên gặp bà Phó Viện Trưởng trình bầy. Bà Phó Viện Trưởng bối rối, gọi điện thoại nói chuyện liên tục với ông Khoa Trưởng kia, rồi có lẽ không thỏa thuận được, nên hứa sẽ trả lời trong vòng một hai tuần. Khoảng một tuần sau, ông Khoa Trưởng gửi "i-meo" cho nạn nhân của sự kỳ thị: "Tôi không thể nói về kinh nghiệm của ông. Tôi vẫn không thay đổi quyết định của tôi. Ông không thể làm sinh viên của tôi vì ông không biết viết..." Mới đầu, đã tính đi thưa kiện tại Tòa, nhưng rồi, cũng như lần trước, thôi "Tha Tào". 

Kỳ thị ở ngay trong công sở. Khi làm Kiểm Tra Viên của Bộ Nhân Dụng, chuyên giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của những người xin tiền bệnh bị từ chối, người viết lại gặp bà Supervisor kỳ thị nặng. Bà luôn hăm he: "Anh là Việt Nam, nói tiếng Anh không giỏi, khó làm nhiệm vụ này. Tôi có thể cho anh nghỉ bất cứ lúc nào." Người viết không trả lời, cố làm xong việc, nhưng bà này cứ theo sát, gần như "harrass" mình, nghe ké điện thoại, đọc những ghi chép trên "computer", lục hồ sơ khi mình ra khỏi bàn làm việc... Cả năm sau, bà tuyên bố lần nữa: "Tôi nghĩ vì anh là người Việt, nên không thể làm ở đây được nữa, tôi làm giấy cho anh nghỉ luôn!" Lúc đó, người viết đã thu thập đầy đủ bằng chứng bà quấy nhiễu mình, nên đi gặp bà Giám Đốc cao cấp nhất và trình bầy. Bà Giám Đốc thấy việc kỳ thị lộ liễu qúa, mới đề nghị người viết cam kết đừng thưa kiện Tiểu Bang, bà sẽ cho mình muốn chi được nấy. Sau đó, để trả ơn người viết "tha Tào", bà Giám đốc đã cho đổi qua một văn phòng dễ chịu hơn, do một ông đã từng đi lính ở Việt Nam làm Manager. 

Đâu đâu trong xã hội này, sự kỳ thị cũng có thể xẩy ra, chỉ khác biệt ở mức độ nặng nhẹ. Với những chuyện ở mức độ nhẹ, ta có thể bỏ qua, nhưng ở tầm mức quan trọng, ta phải chiến đấu tới cùng. Trường hợp của Giáo Sư Kim Oanh, nhất định ta phải làm tới, vừa để gỡ danh dự cho người Việt Nam, vừa để tránh không cho hiện tượng kỳ thị ấy xẩy ra thêm nữa. Ngoài ra, hãy bỏ phiếu cho một người Việt Nam vào Hội Đồng Học Khu kỳ tháng 11 này, nếu có người ứng cử. Và, hãy bỏ phiếu "rớt" cho 3 nhân vật kỳ thị kia: Jo-An Purcel, Jim Reed, và Judy Ahrens. Người Việt phải đi bỏ phiếu cho đông, xin đừng nghĩ rằng "không mợ, thì chợ cũng đông." Không có "mợ" đi chợ kỳ này, "chợ Việt Nam" sẽ vắng lắm đấy, và sẽ bị kỳ thị hoài thôi.... Dĩ nhiên, cũng phải "chọn mặt gửi vàng", nếu chỉ vì hai chữ "Việt Nam" mà chọn một "mợ" lạng quạng, chỉ có chút phương tiện tiền bạc không có thành tích phục vụ cộng đồng bao giờ, lại hay tuyên bố linh tinh... thì thà chờ đến khi một người tốt đẹp xuất hiện..

Chu Tất Tiến.

http://motgoctroi.com/DienDan/NvGSKimOanh_kythi.htm