NPH 

Tin Garden Grove – Bắt đầu từ những tiếng kêu cứu của các Thương Phế Binh cựu quân nhân QLVNCH ở trong nước càng ngày càng dồn dập. Số thư kêu gào giúp đỡ ngày càng chồng chất, những giọt nước mặt chảy dài trên gò má người quả phụ Nữ Quân Nhân Nguyễn Thị Hạnh Nhơn với sự bế tắc hoàn toàn. Làm gì hơn với những ngặt nghèo của cả chính mình. Hội Cứu Trợ HO Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ được điều hành bởi bà cụ Hạnh Nhơn trên 80 tuổi, một cựu Trung Tá Nữ Quân Nhân quân chủng Không Quân đã phải gõ cửa nhiều nơi. Các hội đoàn cựu quân nhân tuy nhiều, nhưng việc làm của mỗi hội chỉ giới hạn trong phạm vi ái hữu của binh chủng. Cuối cùng, tất cả các hội đoàn trong cộng đồng đã quyết tâm ngồi lại cùng nhau thể hiện tình thương. Với sự tiếp tay của Tổng Hội Sinh Viên Nam California, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và đài truyền hình SBTN một đại nhạc hội đã được tổ chức tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande High School lần đầu tiên tháng 6/2006 tại Nam California. Sau đó cứ năm lẻ thì ĐNH/TPB tổ chức tại Bắc Cali bắt đầu từ 2009. Nam Cali 2006, 2008 và 2010.

Tại sao phải là tháng Sáu? Bởi vì giữa tháng 6 thì tất cả các trường học đã nghỉ hè. Một đại nhạc hội ngoài trời phải cần hơn 3 ngày để chuẩn bị từ chiều thứ Sáu, ngày thứ Bảy, ngày Chủ Nhật và sáng thứ Hai. Do đó, học sinh nghỉ hè thì sân vận động mới trống trải và khu đậu xe trong sân trường Bolsa Grande High School mới có chỗ đậu xe và nhất là không phiền nhiễu đến các em học sinh. Chiều thứ Sáu đón nhận dụng cụ, sáng thứ Bảy dựng sân khấu, ánh sáng, âm thanh, trang trí. Chiều thứ Bảy sắp khoảng 5000 chiếc ghế, nhà vệ sinh lưu động, dựng bảng quảng cáo bảo trợ và lều bảo trợ. Sáng Chủ Nhật những thành phần trong ban tổ chức như ban tiếp tân, ban ẩm thực, ban khánh tiết, ban bán và kiểm soát vé đã có mặt từ sớm. Sáng thứ Hai trả dụng cụ thuê mướn, dỡ lêu, trả xe camping, sân khấu, máy phát điện …v…v… 

9 giờ sáng Chủ Nhật ngày 1/8/2010, những đồng hương đến sớm nhất cũng không nhìn thấy những khó khăn và cực khổ của các thiện nguyện viên trong ngày thứ Bảy. Họ chỉ nhìn thấy một sân khấu vĩ đại, những cái lều to và những hàng ghế thẳng tắp và ngăn nắp. Không một cọng rác nào còn sót trên sân cỏ. Tất cả những gì đầy rẫy hỗn độn của ngày Thứ Bảy trông mệt mắt đã biến mất nhường chỗ cho một điạ điểm khang trang, sạch sẽ và đẹp mắt sẵn sàng cho một đại nhạc hội sẽ bắt đầu vào 12 giờ trưa Chủ Nhật ngày 1 tháng 8 năm 2010. Nơi đây sẽ là khởi điểm cho những bước chân tình thương được khởi sự chuyển những tấm lòng từ bi, thân ái về cho những người TPB đang cần những giúp đỡ từ hải ngoại. Từ các anh chị em trẻ thuộc tổng hội sinh viên, các đoàn thể tôn giáo, hướng đạo đến các bậc cha chú trong quân đội. Ai cũng hoan hỉ quên hết mệt nhọc vì ý nghĩa của công tác. 

Nhưng có lẽ tội nghiệp nhất vẫn là những anh em cựu quân nhân QLVNCH trong các hội đoàn Cựu Quân Nhân. Vẫn là những hình ảnh của các quân trường Đồng Đế, Thủ Đức và Đà Lạt; vẫn là những bộ quân phục hào hùng của các sư đoàn, binh chủng và đơn vị chuyên môn theo sát các anh với tuổi đời tan tác trong lứa tuổi trên dưới Lục Thập Hoa Giáp. Ôi những người chiến binh quả cảm oai hùng năm xưa, ngày hôm nay các anh đã trở thành những người lính già bất tử trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Những mái tóc đã hoa râm hay bạc trắng trên những bộ quân phục năm xưa làm đồng bào bùi ngùi thương tiếc một dĩ vãng huy hoàng xa xưa của một quân lực hung mạnh. Ngày xưa các anh đã Bảo Quốc An Dân và phải buông súng vì oái oăm đầy nghiệt ngã của hoàn cảnh. Ngày hôm nay, các anh đã tội tình gì các anh lại phải dầm sương dãi nắng, lại trải bạt dựng lều, lê tấm thân già tiều tuỵ dựng sân khấu cho mọi người mua vui văn nghệ? Phải chăng vì những tiếng kêu thân ái từ những thiêng liêng của tình huynh đệ chi binh; những thôi thúc của tình chiến hữu năm xưa từng tay nắm tay quyết tâm dựng một ngọn cờ Vàng 3 Sọc Đỏ; quyết xây dựng một ngôi nhà Mẹ Việt Nam với đầy hào khí của tự do, dân chủ. Hay tại vì “Từng bao năm chiến đấu, vui buồn có bên nhau…” đã đưa những người cựu chiến sĩ QLVNCH dù xa cách bên này và bên kia 2 bờ Thái Bình Dương đã ngồi sát lại với nhau giữa khoảng không gian xa cách trong tình đồng đội tương thân tương ái? Vì sao và vì sao, bởi vì sao những người lính già hải ngoại còn sống hôm nay vẫn nhớ về đồng đội năm xưa? Người chiến sĩ già đang sắp ghế hay dẹp ghế, đang làm tổng vệ sinh hay trang hoàng sân khấu không hề biết ai sẽ là người nhận được những tờ đô-la tình thương gửi từ hải ngoại. Họ cũng không cần biết đến những món quà tình thường sẽ chuyên chở được cho bao nhiêu đồng đội, ai sẽ được ai không? Họ chỉ biết người cho và người nhận không hề biết nhau. Người hi sinh tận tuỵ không hề một lời than thở hay xin xỏ được trả ơn. Tất cả đã âm thầm không than vãn vì tự nguyện, sự tự nguyện đến từ tình thương cuả những trái tim hải ngoại có mặt ngày hôm nay trong ĐNH/TPB. 

Từ 10 giờ sáng, con đường Westminster dẫn vào khu vực Đại Nhạc Hội đã bắt đầu nhộn nhịp xe cộ nối đuôi. Vì là cuối tuần nên công viên bên cạnh cũng khá đông đảo như thường lệ với những chiếc xe đã đậu kín hai bên lề đường. Khu đậu xe của trường Bolsa Grande High School là một khu vực của trường trung học nên cũng không có nhiều chỗ đậu xe. Nhiều người thả người nhà xuống rồi quay ra đậu xe tại những con đường nhỏ trong khu vực dân cư chung quanh. Gần 10 ngàn người nên tìm một chỗ đậu xe quả là nhiêu khê. Tuy nhiên, sự chu đáo của BTC đã giúp cho các ca sĩ giúp vui có được một nơi đậu xe thoải mái, ngay trong khu vực trình diễn. Ca sĩ không vào làm sao có người trình diễn. Ưu tiên số một. Công ty thực phẩm Quốc Việt độc quyền cung cấp thức ăn và bảo trợ thức ăn, nước uống. Công ty điện thoại V247 đã cung cấp 50 điện thoại cầm tay với số toll free miễn phí để đồng hương trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ và Canada gọi vào đóng góp tài chánh. Kinh nghiệm các buổi gây quỹ đại nhạc hội trước, hình thức Telethone đã mang lại nhiều tài chánh nhất. Gia đình Mũ Đỏ nhận phần phụ trách khu vực gọi điện thoại nên các nàng tiên Thiên Thần Mũ Đỏ hôm mnay mặc đồng phục màu trắng để hoà lẫn với các thiện nguyện viên trẻ. Những tà áo dài màu đỏ hôm nay thay bằng màu trắng tung bay trong nắng tưởng như những cô sinh viên Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh, Hưng Đạo …v…v… ngày nào. 

Vì số người tham dự tại Nam California không thể quá con số 7 hoặc 8 ngàn người. Tính theo số người tham dự thì tiền vé và bảo trợ thì cũng chỉ trên dưới 100 ngàn mỹ kim, nên sự đóng góp của đồng hương nơi xa mới đáng kể. Cũng xem chương trình ĐNH/TPB nhưng qua màn ảnh truyền hình, các khán giả nơi xa vẫn tới tấp gửi tiền ủng hộ. Kinh nghiệm số tiền tổng kết lên cao chính nhờ nơi các thính giả gọi phôn vào yểm trợ. Vẫn là những giọng ca quen thuộc của trung tâm Asia, nhưng hôm nay từ khán giả đến ca sĩ ai cũng một lòng nô nức đón chờ. Những tiếng hát cất lên vượt không gian bay về quốc nội. Những cánh thư từ quốc nội gửi ra với những lời biết ơn sâu xa. Những cánh tay từ thiện bỏ 1, 2, 5, 10, 20, 50. 100 hoặc hơn nữa vào thùng cứu trợ. Ca sĩ hát xong mang thùng tiền đi xuống gặp từng klhán giả được tháp tùng bởi các anh chiến sĩ Hải Quân oai phong trong quân phục màu trắng. Phải mất hơn 1 giờ mỗi ca sĩ mới đi hết khu ngồi của  khán giả vì sự ủng hộ nhiệt tình. Mỗi ca sĩ hát xong, không quên thủ tục này. Kể cả MC nhà giàu Leyna Nguyễn đến từ thành phố Hollywood. 

Công ty V247 ủng hộ $10,500, rất đông chi phiếu từ 3 ngàn trở xuống của các cơ sở thương mại và hội đoàn thi đua gửi vào. MC Nam Lộc kể lại câu chuyện buổi sang ăn phở Kimmy bà chủ quán cho biết bận việc không đi được, nhưng gửi chi phiếu $1,000 mỹ kim tặng BTC. Thật cảm động.  

Sau nhiều tháng chuẩn bị đúng 12 giờ MC Liên hội cựu chiến sĩ Không Quân Phạm Đình Khuông tuyên bố khai mạc chương trình. Trên trời một chiếc máy bay kéo cờ VNCH và mang biểu ngữ Đại Nhạc Hội TPB Kỳ 4 bay chung quanh khán đài. Tất cả 5 ngàn chiếc ghế trong lều che nắng đã đầy kín người. Khán giả bắt đầu ngồi lan ra 2 bên cánh sân khấu. Một đoàn cựu quân nhân rợp màu quân phục đứng dàn chào trước sân khấu chuẩn bị cho nghi lễ khai mạc. Quan khách và đồng bào được mời đứng dậy để đón toán Quốc Quân Kỳ với đủ sắc phục quân binh chủng tiến vào vị trí hành lễ. Nghiêm….. - Súng chào…- Bắt. Đó là khẩu lệnh, nghi lễ khai mạc của người MC KQ Phạm Đình Khuông. Sau nghi lễ quốc kỳ Việt Mỹ, Mặc Niệm và tiễn Quốc Quân Kỳ. Mở đầu chương trình là bài đọc diễn văn khai mạc của cụ Nữ Quân Nhân Hội trưởng Hội Cứu Trợ HO TPB và Cô Nhi Quả Phụ cựu Trung Tá KQ Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Kế tiếp Trung Uý Biệt Động Quân Trần Thy Vân, cụt 2 chân ngồi trên xe lăn, anh Ngô Thiện Đức Hội trưởng đoàn Thanh Niên, Đại Đạo Cao Đài Hải Ngoại Nam California, đại diện giới trẻ. Thiếu tá hiện dịch Bùi Minh Triết tùng sự tại trại Pendelton thuộc đơn vị quân y Hoa Kỳ vừa trở về nước từ Kosovo, Nam Tư. Cuối cùng là bài diễn văn của ông Phan Tấn Ngưu, Chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California. 

Trước khi chương trình văn nghệ bắt đầu, nhóm xe gắn máy của luật sư Đỗ Phủ - Anh Tuấn (VHOG) khoảng gần 50 xe gắn máy hiệu Harley Davision chạy vòng lên sân cỏ trước sân khấu. Theo lời MC Phạm Đình Khuông cho biết vị đại diện cho đoàn VHOG lên trao tặng chi phiếu tổng cộng 12700 mỹ kim. Sau đó chương trình văn nghệ được mở đầu là MC Nam Lộc Việt Dzũng và Minh Phượng với nhạc cảnh “Nhớ Ơn Anh Người TPB VNCH”. Sau đó lần lượt với các giọng ca của Trung Tâm Asia và một số ca sĩ không thuộc các trung tâm. Gần cuối chương trình nhạc cảnh Cho Người Vào Cuộc Chiến với sự trình diễn của ca sĩ Lệ Hằng và phụ diễn của Biệt Kích Phạm Hoà (chiến công đầy) và Mũ Nâu Nguyễn Phương Hùng (TPB cụt chân) đã làm nhiều người rơi lệ vì lời nhạc “Mai đây anh trở về, anh trở về, dẫu rằng không trọn vẹn như xưa. Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ, dù anh trở về bằng chiếc xe lăn, hoặc anh trở về bằng chiến công đầy ….” Khi xuống dưới hàng khán giả, một vị nói: “Cảm động quá rất tiếc chỉ còn chừng này tiền. Nếu còn nữa chúng tôi sẽ ủng hộ nữa.”         

Chương trình được sự đóng góp bởi các giọng ca như Thiên Kim, Thanh Thúy, Trung Chỉnh, Giang Tử, Mai Lệ Huyền, Tuấn Châu, Sơn Ca, Ngọc Minh, Huy Sinh, Hồ Hoàng Yến, Lê Anh Quân, Đặng Thế Luân, Lâm Thúy Vân, Ngọc Huyền, Tâm Đoan, Ánh Minh, Thùy Hương, Y Phương, Quốc Khanh, Y Phụng, Thiệu Kỳ Anh, Nguyên Khang, Lâm Nhật Tiến, Nguyễn Hồng Nhung, Mai Vy, Mai Thanh Sơn, Tường Khuê, Tường Nguyên, Tiến Dũng, Minh Hạnh, Lệ Hằng, Kristine Sa, Bé Đan Vy, ngoài ra còn rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác và Ban hợp xướng Ngàn Khơi ... Hợp cùng 5 ban nhạc xuất sắc nhất đó là The Asia Band, Y2K, The Soldier, Moon Flowers. Chương trình được điều hợp liên tục linh động và nhịp nhàng bởi các MC Nam Lộc, Việt Dzũng, Leyna Nguyễn, Diệu Quyên, Minh Phượng, Giáng Ngọc, Thùy Dương, Đỗ Tân Khoa. Hệ thống SBTN đã phát hình trực tiếp qua 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ và Toronto Canada. 

Hiện diện trong số quan khách phóng viên Việt Star nhận thấy có Dân biểu Liên Bang Lorretta Sanchez, Thượng nghị sĩ Lou Correa, Dân biểu Trần Thái Văn (cũng là ứng cử viên Dân biểu Liên bang đơn vị 47,) Thị trưởng Costa Mesa Allan Mansoor (cũng là ứng cử viên dân biểu tiểu bang đơn vị 68,) Nghị viên Tạ Đức Trí, Uỷ viên Giáo Dục Andrew Nguyễn, ứng cử viên dân biểu tiểu bang đơn vị 68 Nguyễn Trọng Phú, ứng cử viên Nghị viên TP Fountain Valley Võ Đức Minh, ứng cử viên Nghị viên TP Westminster MC Đỗ Tân Khoa, Tân chủ tịch cộng đồng Việt Nam Nam California Nguyễn Xuân Nghĩa và ban đại diện, và rất đông các vị chức sắc trong cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh chủ tịch một Ban Đại Diện khác không có mặt.